Làm gì để cải thiện chỉ số PAPI?

14/05/2021 07:01

Việc chỉ số PAPI của Hải Dương chỉ loanh quanh ở mức trung bình là bài toán cần lời giải đáp của chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.


Xây dựng tinh thần vì nhân dân phục vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức là giải pháp quan trọng để cải thiện chỉ số PAPI

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng những năm qua, chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) của Hải Dương vẫn chưa thể bứt lên nhóm dẫn đầu. Vì thế, cải thiện chỉ số PAPI, nâng cao mức độ hài lòng của người dân là trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Chưa thể bứt phá

Thời điểm này, nhiều tiểu thương kinh doanh trong chợ Huề Trì ở phường An Phụ (Kinh Môn) vẫn chưa đồng ý chuyển sang chợ tạm để bàn giao vị trí chợ cũ cho chủ đầu tư khu dân cư mới An Phụ triển khai nốt các hạng mục còn thiếu. Các tiểu thương cho rằng họ không nắm được thông tin cụ thể về chợ tạm hoạt động thế nào, nghĩa vụ và quyền lợi của các tiểu thương ra sao, chợ mới sẽ xây dựng ở đâu, người dân có phải đóng góp cho việc xây dựng chợ mới hay không? Chính sự không rõ ràng này làm chợ Huề Trì mới chưa được xây dựng, người dân vẫn phải mua bán trong chợ cũ đã xuống cấp, ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ về sự không rõ ràng, minh bạch trong việc công bố thông tin liên quan đến quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương trong tỉnh dẫn đến nhiều trường hợp xảy ra khiếu kiện kéo dài, gây mất ổn định ở địa phương, giảm lòng tin của người dân vào chính quyền. Cũng chính sự không công khai, minh bạch trong thực thi chính sách ở địa phương làm cho những nhìn nhận của người dân đối với năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương không nhiều thiện cảm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chỉ số PAPI của Hải Dương vẫn loanh quanh ở mức thấp, khó đột phá lên tốp đầu cả nước. Cụ thể, năm 2020, chỉ số PAPI của tỉnh đạt tổng 42,81 điểm, đứng thứ 14 trong nhóm 16 tỉnh, thành phố xếp loại trung bình cao toàn quốc, xếp thứ 30 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. So với vị trí thứ 7 năm 2019, chỉ số PAPI của tỉnh giảm rất sâu. Đặc biệt, năm 2020 Hải Dương không có chỉ số thành phần ở mức cao nhất, chỉ có 4 chỉ số ở mức trung bình cao trong khi có 2 chỉ số ở mức trung bình thấp và 1 chỉ số ở mức thấp nhất với vẻn vẹn 2,49 điểm.

Những năm qua, chỉ số PAPI đã thể hiện khá rõ nét, chính xác, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên sự trải nghiệm, đánh giá thực tế của người dân khi tương tác với chính quyền các cấp. Mặc dù PAPI không phải là tiếng nói của tất cả người dân trong tỉnh nhưng cũng đã thể hiện khá sát thực khả năng quản trị, điều hành cũng như tinh thần, thái độ phục vụ người dân của chính quyền các cấp.               


Do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân nên chợ tạm trong khu dân cư mới An Phụ (Kinh Môn) chưa thể hoạt động   

Cần giải pháp căn cơ, lâu dài

Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng việc chỉ số PAPI của Hải Dương chỉ loanh quanh ở mức trung bình là một câu hỏi day dứt cần lời giải đáp của chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức. Cải thiện chỉ số PAPI là yêu cầu tất yếu, là trách nhiệm của chính quyền đối với người dân. PAPI gồm 8 chỉ số thành phần là: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử. Trong đó, công khai, minh bạch thông tin theo hướng "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và trách nhiệm giải trình với người dân là một trong những yếu tố quan trọng để người dân tự làm chủ được công việc và cuộc sống, chủ động tham gia vào mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương.

Anh Trần Văn Tuân ở xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) cho biết: "Qua thực tế giải quyết công việc ở nhiều địa phương tôi thấy có nhiều trường hợp chính quyền vừa không công khai, minh bạch thông tin lại không giải trình rõ những thắc mắc, kiến nghị của người dân. Điều này làm cho lòng tin của người dân vào chính quyền khó cải thiện". 

Một tiểu thương kinh doanh trong chợ Huề Trì ở phường An Phụ cho rằng nếu chính quyền và cơ quan chuyên môn công khai rõ vị trí xây dựng chợ mới, hình thức xây dựng, quyền lợi và nghĩa vụ của tiểu thương như thế nào thì người dân đã hiểu và ủng hộ dự án, không có chuyện khiếu kiện kéo dài như hiện nay. Còn chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Kim Thành cho biết do ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc với chính quyền địa phương nên hiểu rõ lãnh đạo địa phương nào vì doanh nghiệp, lãnh đạo nào không. "Chỉ cần thông qua việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp là chúng tôi có thể nhận biết được chính quyền địa phương đó có vì nhân dân phục vụ hay không. Trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch như hiện nay, chỉ cần sự chia sẻ, cảm thông của chính quyền là doanh nghiệp có thêm động lực để sản xuất, kinh doanh", vị lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.

PAPI được xây dựng trên triết lý coi người dân là khách hàng của cơ quan công quyền. Họ có đủ năng lực giám sát và đánh giá tính hiệu quả của công tác quản trị và hành chính công ở địa phương. Để cải thiện chỉ số PAPI, trước hết tỉnh cần có một chính sách, giải pháp căn cơ, lâu dài cũng như hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Xây dựng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tác phong làm việc thực sự khoa học, vì dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chỉ khi xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức công vụ với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ được giao thì mới có thể cải thiện chỉ số PAPI, đưa chính quyền đến gần với người dân hơn. 

VỊ THỦY

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở 

Để góp phần nâng cao thứ hạng của tỉnh về chỉ số PAPI, các đơn vị, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giám sát, tham gia góp ý xây dựng chính quyền gắn với đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh. Bằng nhiều hình thức phù hợp, cần đẩy mạnh việc công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các thông tin, số liệu thuộc phạm vi quản lý; tiếp tục thực hiện tốt việc công khai danh sách hộ nghèo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khung giá đền bù, thu hồi đất; việc thu, chi ngân sách cấp xã… để người dân hiểu, đồng thuận và giám sát việc thực hiện.

Công khai số điện thoại, hộp thư điện tử của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để lấy ý kiến tham gia vào các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, địa phương. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của người dân. Cần quán triệt, tuyên truyền, phổ biến giúp cho cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số PAPI.

Ngoài ra, đơn vị, địa phương cần phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu từng bộ phận, nhằm khắc phục, cải thiện chất lượng quản trị và hành chính công. Qua đó góp phần nâng cao thứ hạng chỉ số PAPI.

NGUYỄN ĐÌNH TRANH
Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang

Xây dựng đội ngũ cán bộ vì dân

Để cải thiện chỉ số PAPI nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ người dân ở mức tốt nhất, ngoài việc xây dựng các cơ chế, chính sách thông thoáng, minh bạch, thuận lợi thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính là bộ mặt, là hình ảnh của chính quyền địa phương. Công việc có trôi chảy hay không, tiến độ nhanh hay chậm đều do đội ngũ này quyết định. Người dân có thiện cảm với chính quyền hay không đều thông qua đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức-những người tiếp xúc trực tiếp với người dân hằng ngày.

Phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu, xác định phục vụ nhân dân vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Luôn cố gắng ở mức cao nhất để phục vụ nhân dân, tìm ra những giải pháp sáng tạo, phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân trong tiếp cận với cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân và doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, trong giải quyết công việc hằng ngày, đội ngũ cán bộ, công chức cần có những hành động cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để người dân và doanh nghiệp cảm nhận được sự chia sẻ, động viên của chính quyền, từ đó nỗ lực vươn lên vượt khó, đồng hành cùng địa phương phát triển.

LÊ XUÂN HIỀN
Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư)

Thủ tục hành chính công cần thông thoáng

Đối với người dân, thủ tục hành chính thông thoáng là yêu cầu quan trọng nhất khi làm việc với chính quyền địa phương. Thủ tục hành chính ở địa phương đều là những lĩnh vực cần thiết nhất, gắn với quyền lợi sát sườn của người dân như dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; giấy phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Trình độ hiểu biết pháp luật cũng như những quy định liên quan của người dân ở khu vực nông thôn còn thấp nên đòi hỏi các thủ tục hành chính công phải thông thoáng, thuận tiện, rõ ràng. Theo tôi, các thủ tục phải được niêm yết công khai, mức phí rõ ràng, lịch hẹn chính xác nhằm giảm thời gian, công sức cho người dân khi làm các thủ tục liên quan. Có như thế cái nhìn của người dân đối với chính quyền mới có nhiều thiện cảm, sẵn sàng hợp tác trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - chính trị địa phương.

NGUYỄN ĐĂNG TIẾN
Phường Cộng Hòa, TP Chí Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để cải thiện chỉ số PAPI?