"Công dân điện tử" cầu nối với chính quyền điện tử

03/01/2021 10:02

Nhiều “công dân điện tử” đã tích cực đi trước, trở thành cầu nối đắc lực cho việc đơn giản hóa mối giao tiếp “công dân - chính quyền”,  đồng hành cùng chính quyền xây dựng chính quyền điện tử.    


Giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến giúp công dân và cơ quan chuyên môn giảm tiếp xúc trực tiếp

Ưu điểm vượt trội

Sáng thứ bảy, vừa vui vẻ trò chuyện cùng đồng nghiệp tại một quán cà phê, anh Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt (TP Hải Dương) vừa tranh thủ nộp thuế trực tuyến qua chiếc máy tính xách tay có kết nối mạng. Chỉ vài cú nhấp chuột, truy cập vào website của Tổng cục Thuế, anh thành thạo thực hiện các bước đăng nhập vào hệ thống, lập giấy nộp tiền, ký và nộp thuế điện tử, chỉ vài phút sau đã hoàn thành. Theo anh Dũng, việc định kỳ nộp thuế trực tuyến đã được doanh nghiệp hưởng ứng ngay từ những ngày ngành thuế mới triển khai. “Tiện lợi, nhanh chóng và minh bạch”, đó là những ưu điểm được anh Dũng cho rằng vượt trội khi thực hiện các giao dịch qua mạng.

Là một chủ hộ kinh doanh tự do luôn bận rộn nên từ xin cấp hộ chiếu, cấp đổi giấy phép lái xe, đăng ký làm chương trình khuyến mãi… anh Nguyễn Hữu Thắng ở xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương) đều giao dịch qua hình thức trực tuyến. Khi cần làm bất cứ thủ tục gì anh chỉ cần tìm hiểu trên các trang thông tin, Cổng Dịch vụ công quốc gia… “Các thủ tục đều có hướng dẫn kỹ lưỡng các bước thực hiện. Việc tìm hiểu, thao tác trên môi trường mạng nếu đã quen thì rất tiện lợi”, anh Thắng cho biết.

Nắm bắt và tận dụng những ưu điểm nổi trội đó, nhiều “công dân điện tử”, đặc biệt là giới doanh nhân, người trẻ đã nhanh chóng tiếp cận, lựa chọn sử dụng các giao dịch trực tuyến vì từ những việc nhỏ như thanh toán tiền sử dụng điện, nước, giao dịch ngân hàng đến thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC)... đều có thể giao dịch trực tuyến. Theo tổng hợp của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), chỉ riêng trong tháng 11, toàn tỉnh có 297 đơn vị thực hiện thành công các thủ tục liên quan qua hình thức trực tuyến. 

Thông tin từ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trong năm 2020, toàn tỉnh có hơn 5.600 TTHC được giao dịch qua hình thức trực tuyến, tăng hơn 2.500 TTHC so với năm 2019. Số giao dịch qua hình thức trực tuyến tăng cao một phần do diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp, một phần do sự gia tăng số lượng “công dân điện tử”.

Chủ động đến với công dân

Ở TP Đà Nẵng, mỗi công dân đã được cấp một tài khoản "công dân điện tử" để dùng khi cần giao dịch các TTHC, theo dõi tiến độ xử lý, giải quyết hồ sơ. Tại quận Hà Đông (Hà Nội) đã thành lập các điểm hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở các nhà văn hóa khu dân cư, bưu điện giúp người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến... Những sáng kiến trên chính là cầu nối để chính quyền điện tử các cấp chủ động đến với công dân.

Ở Hải Dương, từ tỉnh tới cấp huyện, cấp xã đang có nhiều cố gắng áp dụng công nghệ thông tin vào giao dịch công trực tuyến. Tỉnh có lợi thế là hệ thống "một cửa" điện tử, dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản, thư điện tử công vụ... được triển khai thống nhất và đồng bộ ở cả 3 cấp; có 10% số lượng dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4. Toàn tỉnh có tới 65% số dân đang sử dụng internet.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, ngoài tiếp nhận các đề nghị giải quyết TTHC trực tiếp, các bộ phận tiếp nhận đều đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn người dân, tổ chức tìm hiểu, giao dịch trực tuyến, nhận kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích. Ở TP Hải Dương, từ tháng 10.2020 đã thí điểm tiếp nhận, giải quyết 91 TTHC theo hình thức trực tuyến tại các phường Quang Trung, Tứ Minh. TP Hải Dương, TP Chí Linh đã được xác định trở thành đô thị thông minh, trong đó lấy con người là trọng tâm trong giai đoạn tới. Đây chính là những yếu tố rất thuận lợi để vận động, hỗ trợ nhân dân trở thành "công dân điện tử", đồng hành cùng chính quyền điện tử.

Bước vào nhiệm kỳ mới, tỉnh cũng đã xác định quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm là: “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương”. Chương trình phát triển kinh tế nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ giai đoạn 2021 - 2025 đã đề cập đến nội dung tiếp cận nhanh với chuyển đổi số để phát triển kinh tế số. Cùng với đề án “Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” đã được HĐND tỉnh thông qua được xem là những bước chuyển quan trọng để xây dựng nhanh chính quyền điện tử liên thông, đồng hành cùng những "công dân số, công dân điện tử" trong thời kỳ chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.          

TRUNG THU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Công dân điện tử" cầu nối với chính quyền điện tử