“Sửa đổi lối làm việc” còn nguyên giá trị

19/05/2018 08:30

71 năm kể từ khi ra đời, đến nay, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn tiếp tục khẳng định giá trị to lớn trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.


Bìa sách “Sửa đổi lối làm việc” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2017

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra từ ngày 7 - 12.5.2018 nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Như chúng ta đều biết, cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến đã được đề cập trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” - một tác phẩm mà Bác Hồ viết xong tháng 10.1947 bằng bút danh X.Y.Z.

Vạch trần các “chứng bệnh”

Vì ý nghĩa thời sự, thực tiễn lớn nên năm 2017, nhân dịp 70 năm tác phẩm ra đời, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tiếp tục tái bản sách. Cuốn sách tái bản này in khổ nhỏ, dày 139 trang. Sách viết giản dị, dễ hiểu, cô đọng, giàu tính lý luận và thực tiễn, giống như một cẩm nang hướng dẫn thực hành để sửa đổi lối làm việc của cán bộ. Đọc tác phẩm, nhiều người  có cảm tưởng sách như được viết mới đây, chứ không phải viết ra từ hơn 70 năm trước.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Qua một số năm đầu, thực tiễn cách mạng cho thấy một số cán bộ có những hạn chế, thiếu sót trong lề lối làm việc, ảnh hưởng xấu tới phong trào chung. Nhằm phòng chống những hạn chế đó và phát huy các ưu điểm của cán bộ, Bác Hồ đã kịp thời viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Bác viết xong tác phẩm này vào tháng 10.1947 và Nhà xuất bản Sự thật xuất bản lần đầu tiên năm 1948.

Tác phẩm có 6 phần, đánh số La Mã từ I đến VI. Phần I là “Phê bình và sửa chữa”, phần II “Mấy điều kinh nghiệm”, phần III “Tư cách và đạo đức cách mạng”, phần IV “Vấn đề cán bộ”, phần V “Cách lãnh đạo” và phần VI “Chống thói ba hoa”. Sách nói đến nhiều “căn bệnh” trong lề lối làm việc của cán bộ, phân tích rõ các nguyên nhân, hậu quả của những bệnh đó, đặc biệt là chỉ rõ cách phòng ngừa, khắc phục.

Đến nay, nhiều “căn bệnh” mà Bác Hồ đã nhắc tới từ hơn 70 năm trước vẫn còn tồn tại, thậm chí có biểu hiện trầm trọng hơn. Đó là các chứng bệnh: chủ quan, hẹp hòi, nể nang, tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, địa phương, lãnh tụ, hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, cá nhân, tị nạnh, xu nịnh, a dua… Hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đang quyết liệt phòng chống tham nhũng - một khối “ung nhọt” nhức nhối đe dọa sự tồn vong của chế độ. Tham nhũng là biểu hiện của bệnh tham lam. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ đã nhận diện “triệu chứng” của bệnh này: “Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”.

Sau khi vạch trần các triệu chứng, nguyên nhân, hậu quả của các “căn bệnh”, Bác đề ra nhiều “phương thuốc hay” để phòng ngừa và “đặc trị” các chứng bệnh trên. Những “phương thuốc” mà Bác nhấn mạnh để phòng chống nhiều bệnh của cán bộ là phải thiết thực tự phê bình và phê bình, giữ gìn tư cách, đạo đức cách mạng, rèn luyện tính Đảng, thực hiện tốt phận sự của đảng viên và cán bộ. Ngoài các “phương thuốc” dùng chung cho các “căn bệnh”, Bác còn đề ra các “phương thuốc” riêng để phòng ngừa các “căn bệnh” cụ thể.

Quan điểm đúng đắn về công tác cán bộ

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đặc biệt quan tâm tới cán bộ và công tác cán bộ, được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết. Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa diễn ra đã thông qua Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Qua nội dung bài phát biểu khai mạc, bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nội dung thảo luận tại hội nghị có thể thấy nhiều quan điểm đúng đắn của Bác Hồ về cán bộ, công tác cán bộ đã được Đảng ta kế thừa và vận dụng sáng tạo. Những quan điểm còn nguyên giá trị ấy của Bác phản ánh rõ nét trong “Sửa đổi lối làm việc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cán bộ là gốc của mọi công việc và huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp. Do vậy, Đảng phải biết rõ cán bộ, phải cất nhắc cán bộ cho đúng, phải khéo dùng cán bộ, phải phân phối cán bộ cho đúng, phải giúp cán bộ cho đúng, phải giữ gìn cán bộ. Dùng cán bộ, Bác khẳng định cần phải có độ lượng vĩ đại để đối với cán bộ một cách chí công vô tư; phải có tinh thần rộng rãi mới có thể gần gũi những người mình không ưa; phải sáng suốt mới khỏi bị bọn adua bao vây mà xa cách cán bộ tốt… Trong việc này phải tránh các “chứng bệnh” như ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn; ham dùng những kẻ khéo nịnh hót, tính tình hợp với mình…

“Sửa đổi lối làm việc” đã, đang và sẽ phát huy những giá trị to lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tác phẩm tỏa sáng không chỉ bởi nội dung giàu tính lý luận và thực tiễn mà còn bởi Bác Hồ chính là tấm gương mẫu mực trong thực hành lối làm việc của một người cán bộ cách mạng chân chính, dành cả cuộc đời vì Đảng, vì dân.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Sửa đổi lối làm việc” còn nguyên giá trị