10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 14.12

14/12/2017 17:31

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI; Tổng Thư ký LHQ hội đàm với Thủ tướng Nhật ... là những sự kiện nổi bật ngày 14.12.



Sáng 14.2, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017 – 2022 khai mạc trọng thể tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự Đại hội.Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN



Sáng 14.12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc với Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) và dự Hội thảo quốc tế “ Các thuật toán tối ưu”. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Viện Toán học. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Sáng 14.12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 19. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm Kỳ họp thứ 4 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn chỉnh Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 4 gửi đến các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan; tiếp tục phối hợp để hoàn thiện việc chuẩn bị dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp sau.Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN



Ngày 14.12, Đoàn công tác Hội đồng Thi đua - khen thưởng Trung ương do đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước dẫn đầu có buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang về công tác thi đua, khen thưởng năm 2017. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những thành tựu tỉnh Hậu Giang đạt được trong việc bảo đảm tăng trưởng GDP, phát triển nông nghiệp, chăm lo cho gia đình chính sách, khen thưởng đột xuất, giải quyết hồ sơ cho người có công. Đặc biệt, trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hậu Giang không để xảy ra nợ đọng. Phó Chủ tịch nước chúc mừng và biểu dương thành tích của tỉnh Hậu Giang đã đạt được trong phong trào thi đua thời gian qua. Trong ảnh: Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thái – TTXVN



Ngày 14.12, tại Hà Nội, Thống tấn xã Việt Nam phối hợp với Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro ( Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) tổ chức triển lãm 150 bức ảnh về "Biến đảo Tổ quốc". Trong ảnh: Các đại biểu thăm quan triển lãm ảnh. Ảnh: Quốc Khánh – TTXVN



Ngày 14.12, tại Hà Nội, Phòng An ninh kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội họp báo về vụ án Nguyễn Thị Đào cùng đồng phạm mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) xảy ra tại Hà Nội. Bị can Nguyễn Thị Đào (Sinh năm 1982, ở khu đô thị Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có hành vi phạm tội như: Mua lại 17 doanh nghiệp đã thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả để sử dụng vào việc bán hóa đơn GTGT thu lời bất chính với giá 50 triệu đồng/Cty. Với thủ đoạn trên bước đầu cơ quan an ninh điều tra xác định nhóm đối tượng đã xuất khống qua 17 công ty 3.500 hóa đơn với doanh thu trước thuế là 590 tỷ đồng. Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam các đối tượng, tiếp tục điều tra làm rõ hành vi phạm tội để đưa ra xét xử trước pháp luật. Trong ảnh: Lực lượng án ninh điều tra kiểm tra số hóa đơn và con giấu của các đối tượng vi phạm. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN



Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-inngày 14.12 đã kêu gọi nỗ lực nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác “thực sự” giữa nước này và Trung Quốc, sau khi quan hệ ngoại giao song phương trở nên căng thẳng liên quan đến việc Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, dẫn tới những hành động trả đũa kinh tế của Bắc Kinh nhằm vào Seoul. Phát biểu khai mạc một hội chợ thương mại giữa hai nước tại Bắc Kinh, Tổng thống Moon Jae-in kỳ vọng sự kiện về quan hệ đối tác kinh tế - thương mại Hàn Quốc – Trung Quốc đang diễn ra sẽ là một cơ hội để hai bên thúc đẩy quan hệ đối tác "thực sự".Trong ảnh:Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-inphát biểu tại phiên họp Hội đồng An ninh quốc gia.Yonhap/TTXVN



Ngày 14.12, trong cuộc hội đàm tại thủ đô Tokyo nhân chuyến thăm Nhật Bản, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres (ảnh, trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ảnh, phải) nhấn mạnh cần phải thực hiện đầy đủ các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ trong việc trừng phạt Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Hai nhà lãnh đạo khẳng định rằng phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là "hết sức cần thiết" đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Tổng thư ký Guterres hối thúc "sự can dự ngoại giao cho phép phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình", đồng thời đề cao vai trò then chốt của Hội đồng Bảo an trong việc thúc đẩy hướng tới mục tiêu này. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu hiện nay là tiếp tục gây sức ép đối với Triều Tiên chứ chưa phải đối thoại về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. AFP/TTXVN



Ngày 13.12, Tổng thống CH Séc Milos Zeman đã bổ nhiệm Chính phủ mới gồm 14 thành viên do Thủ tướng Andrej Babis, lãnh đạo phong trào ANO, đứng đầu. Chính phủ mới ở Séc chủ yếu là các chính khách phong trào ANO vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 20 và 21/10 và một số nhà kỹ trị không đảng phái. Ngay sau khi được bổ nhiệm, Chính phủ mới đã họp phiên đầu tiên. Thủ tướng Babis khẳng định Chính phủ mới sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động và tập trung vào chống tham nhũng. Theo ông, CH Séc sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong vấn đề người di cư. Trong ảnh: Tổng thống CH Séc Milos Zeman (giữa) và Thủ tướng Andrej Babis (thứ 2, trái) cùng các thành viên nội các mới tại Praha ngày 13.12. AFP/TTXVN



Với 177 phiếu thuận và 79 phiếu chống, Hạ viện Romania ngày 13.12 đã thông qua dự luật cải cách gây tranh cãi mà phe đối lập cho là có nguy cơ hạn chế tính độc lập của ngành tư pháp và làm suy yếu nỗ lực chống tham nhũng của nước này. Dự luật cải cách tư pháp này gồm nội dung cải cách toàn bộ hệ thống tư pháp và hạn chế quyền lực của Cơ quan chống tham nhũng quốc gia (DNA), cũng như ngăn cản cơ quan này tiến hành điều tra các quan chức. Những cải cách do đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cầm quyền đề xuất này cần phải được Thượng viện Romania thông qua. Trong ảnh: Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Romania tại Bucharest. AFP/TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 14.12