TP Hải Dương- Đô thị loại I. Bài 2: Mở rộng không gian đô thị

18/10/2019 13:01

Việc mở rộng không gian đô thị là cần thiết, phù hợp với xu hướng, giúp TP Hải Dương có những bước tiến bền vững sau khi trở thành đô thị loại I.

>> Bài 1: Kinh tế phát triển nhanh


TP Hải Dương đang gấp rút hoàn thành các công trình tạo điểm nhấn cho đô thị

Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh và mạnh, đòi hỏi TP Hải Dương phải có quy mô đô thị phù hợp. Trước thực trạng “áo cũ đã chật”, việc mở rộng không gian đô thị là cần thiết, phù hợp với xu hướng, giúp thành phố có những bước tiến bền vững sau khi trở thành đô thị loại I.

Tất yếu

Trước đây, trấn Hải Dương là phên giậu phía đông của kinh thành Thăng Long, vì thế chính quyền nhà Nguyễn không ngừng củng cố Thành Đông trở thành một pháo đài quân sự vững mạnh được bao bọc bởi các con sông lớn.

Thời Pháp đô hộ, năm 1923, Toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập TP Hải Dương, không gian thành phố được chia thành 2 khu vực là khu hành chính nằm ven sông Sặt và khu kinh tế từ nhà máy rượu đến nhà ga xe lửa.

Năm 1954, khi thị xã Hải Dương được giải phóng, đô thị chia làm 3 khu Bắc Sơn, Bạch Đằng, Chi Lăng và sau đó thành lập thêm các phường trên cơ sở các tiểu khu như Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão...

Từ khi TP Hải Dương được thành lập vào năm 1997, không gian đô thị được mở rộng thêm các xã Nam Đồng, Ái Quốc, An Châu, Thượng Đạt (Nam Sách); Thạch Khôi, Tân Hưng (Gia Lộc); một phần xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ).

Ngày 15.5.2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 616/2009/ QĐ-TTg nâng cấp TP Hải Dương lên đô thị loại II.

Từ nền tảng này, thành phố đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và cũng từ đó đến năm 2018, thành phố không trải qua lần điều chỉnh địa giới hành chính nào, vẫn giữ nguyên 17 phường và 4 xã.

Trong những năm gần đây, TP Hải Dương đã khai thác tối đa các thế mạnh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp một cách hợp lý. Kinh tế đi lên là điểm tựa giúp thành phố tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.

Nhờ vậy, diện mạo thành phố có những thay đổi đáng kể. Nhiều khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái đã và đang hình thành, các công trình phúc lợi công cộng được quan tâm đầu tư.

Nổi bật là các khu đô thị mới phía đông và phía tây thành phố, khu Hà Hải, Ecorivers, Trung tâm Văn hóa Xứ Đông đang hình thành... TP Hải Dương trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Một thành phố phát triển năng động không thể bị bó hẹp bởi không gian đô thị đã hình thành từ lâu. Việc mở rộng không gian đô thị sẽ tạo tiền đề mới giúp TP Hải Dương phát triển lớn mạnh hơn nữa.

Nhằm thực hiện mục tiêu này cũng như bảo đảm điều kiện để TP Hải Dương trở thành đô thị loại I, thành phố đã được mở rộng địa giới hành chính bằng việc sáp nhập toàn bộ diện tích đất tự nhiên và quy mô dân số của 5 xã Tiền Tiến, Quyết Thắng (Thanh Hà); Ngọc Sơn (Tứ Kỳ); Liên Hồng, Gia Xuyên (Gia Lộc).

Không chỉ mở rộng địa giới hành chính, thành phố cũng nâng cấp 2 xã Tân Hưng, Nam Đồng lên phường. Hiện 2 xã đã bảo đảm các tiêu chuẩn về hạ tầng, quy mô dân số, các tiêu chí về kinh tế - xã hội... để được công nhận là phường. Đồng thời, thành phố cũng sáp nhập 2 xã ven đô An Châu và Thượng Đạt thành xã An Thượng để tập trung nguồn lực phát triển.

Địa giới hành chính của một số phường cũng được điều chỉnh phù hợp, tạo thuận lợi trong quản lý và xây dựng quy hoạch khu, vùng. Như vậy, sau khi mở rộng, sáp nhập và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành phố có diện tích 111,64 km2 với 19 phường, 6 xã, tăng 39 km2 , 2 phường, 2 xã so với năm 2018.

Định hướng lâu dài

Hướng tới mục tiêu đến năm 2030, TP Hải Dương sẽ là đô thị công thương, đô thị sống khỏe, đô thị sáng tạo, thân thiện và đô thị an toàn, an tâm, thành phố đang định hướng phát triển không gian đô thị ngôi sao. Mở rộng trung tâm đô thị sang phía nam sông Sặt và bố trí 5 cụm chức năng xung quanh nhằm phát huy động lực.

Khu vực nội thị là trung tâm tổng hợp các chức năng, đóng vai trò đầu mối với sông Sặt là trục lõi cảnh quan, tương tác với 5 vùng đặc thù xung quanh.

Khu chức năng thứ nhất là cửa ngõ phía bắc của thành phố, ngoài xã An Thượng (được sáp nhập từ xã An Châu và Thượng Đạt), được bổ sung các xã phụ cận của huyện Nam Sách là Minh Tân, Đồng Lạc.

Tại đây, thành phố sẽ bố trí khu đô thị sinh thái, coi trọng không gian trong lành, phát triển du lịch sinh thái dọc sông Thái Bình và khu vực làng gốm Chu Đậu.

Dự án khu đô thị phía bắc cầu Hàn đang khởi động sẽ tạo lõi đô thị cho khu vực này. Khu chức năng thứ hai lấy khu công nghiệp Nam Sách làm trung tâm với các phường Ái Quốc, Nam Đồng và các xã Quyết Thắng, Tiền Tiến được định hướng phát triển khu công nghiệp sạch, kho vận và nhà ở. Khu chức năng thứ ba được xác định là các xã, phường phía nam thành phố gồm Hải Tân, Tân Hưng, Ngọc Sơn.

Đây là nơi giao lưu giữa đô thị và nông thôn, thông qua việc thúc đẩy du lịch nông thôn, đồng thời là trung tâm chế xuất và dự trữ nông sản của thành phố. Khu chức năng thứ tư gồm các xã, phường giáp huyện Gia Lộc như Thạch Khôi, Gia Xuyên, Liên Hồng là nơi nghiên cứu nông nghiệp, lúa gạo chất lượng cao, rau sạch, đóng vai trò phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo thương hiệu cho nông sản Hải Dương.

Đồng thời đây cũng là nơi liên kết nghiên cứu với các trường đại học, cơ sở y tế ở phía Bắc. Khu chức năng thứ năm phát triển dựa trên nền tảng của khu công nghiệp Đại An với nhiệm vụ là khu công nghiệp công nghệ cao, tập trung các ngành liên quan đến sức khỏe, y tế, năng lượng sạch…

Từ những cấu trúc đô thị trên, TP Hải Dương cũng xác định hướng phát triển không gian cho từng khu vực chủ đạo. Thành phố chú trọng kết nối trung tâm cũ và mới, xây dựng mạng lưới giao thông hợp lý.

PV

(0) Bình luận
TP Hải Dương- Đô thị loại I. Bài 2: Mở rộng không gian đô thị