Môi trường

Xếp lại quá khứ gãy đổ, tìm ra cách mới phát triển cây xanh TP Hải Dương

NGÂN HẠNH 18/09/2024 05:38

Cơn bão số 3 (Yagi) càn quét qua địa bàn tỉnh Hải Dương khiến nhiều cây xanh bật gốc, đổ nghiêng ngả khắp các con đường, ngõ phố. TP Hải Dương bị thiệt hại nặng nề. Sau bão, làm gì để cây xanh có thể phát triển mạnh mẽ trở lại?

00:00

cay xanh 11
Công ty Quản lý công trình đô thị Hải Dương khẩn trương trồng lại cây xanh với phương châm "cứu nhiều nhất có thể"

Từ cây cổ thụ đến cây mới trồng đều gẫy đổ

Sau cơn bão số 3 tàn phá đêm 7/9, đi một vòng TP Hải Dương rồi bận liên hồi vì những cuộc gọi nhờ cứu cây, chị Phạm Thị Liêm, nguyên cán bộ Công ty Quản lý công trình đô thị Hải Dương, người có hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng và chăm sóc cây xanh không khỏi xót xa. Hàng cây hoa ban dọc đại lộ Võ Nguyên Giáp mà chị và đồng nghiệp trồng, chăm sóc vài năm trước, trải qua mấy mùa hoa tím rực được nhiều người dân ưu ái đặt cho cái tên con đường đẹp nhất thành phố sau cơn bão cũng tan hoang. Ban gẫy đổ rạp xuống đường cả hàng dài. Một đồng nghiệp cũ của chị đang cắt tỉa từng cây ban đổ xót xa bảo: "Những cây ban này có cố gắng cứu thì khả năng phục hồi cũng chỉ được 20-30%".

z5834692532243_65f8e3667879a12cdc35484f03b37178.jpg
Cây đa có đường kính gốc khoảng 1,5-2m ở công viên Bạch Đằng bật gốc

Ở đường Bạch Đằng, khoảng chục cây xà cừ to tới hai vòng tay người lớn ôm mới hết trên vỉa hè, rồi hai cây xà cừ cổ thụ có tuổi đời gần trăm năm (theo trí nhớ của người dân xung quanh-PV) trên đường Hồng Quang cũng bị bật gốc.

z5834692191558_c14b3ac20b0c64ff934457a64deb4ec3.jpg
Cây gẫy đổ choán hết phần vỉa hè công viên Bạch Đằng phía đường Trần Hưng Đạo

Công viên Bạch Đằng - “lá phổi” của thành phố cũng xơ xác. Phần vỉa hè dọc đường Trần Hưng Đạo cạnh công viên đã bị cây đổ choán hết. Riêng phần công viên phía bên đường Trần Hưng Đạo có khoảng 30 cây xanh bị gẫy, đổ, bật gốc, chưa kể 3 phía còn lại cũng la liệt cây đổ rạp. Những cây đa, ban, sao đen, lộc vừng, phượng… bật gốc, đổ, gẫy ngang thân chồng lên nhau khiến ai đi qua cũng phải tiếc nuối. Ông Nguyễn Thành Long (76 tuổi) ở phố Đoàn Kết chứng kiến sự đổi thay của công viên Bạch Đằng gần 40 năm nay. “Mấy chục năm nay, cây cối trong công viên chưa một lần bị tàn phá ghê gớm như này mà luôn xanh tốt, toả bóng mát vừa làm đẹp cho thành phố, vừa tạo không khí mát mẻ cho người dân xung quanh. Cây gẫy đổ quá nhiều, thật tiếc!”, ông Long nói.

z5834692618293_a4ca40e6a77fef0a770309b6f4610f0f.jpg
Cây xà cừ gần trăm năm tuổi trên đường Hồng Quang cũng không trụ được trước bão số 3

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, bão số 3 đã gây thiệt hại khoảng 102.000 cây xanh trong toàn tỉnh, trong đó có hàng nghìn cây xanh tại TP Hải Dương. Hầu như từ trong ngõ ngách đến các con đường trung tâm, những con đường lớn nối với các địa phương đều có cây xanh bị gẫy đổ. Mức độ thiệt hại lớn đến nỗi một tuần sau bão, dù đã huy động lực lượng công an, quân đội, các đoàn thể, cơ quan vệ sinh môi trường cùng toàn thể người dân thì mới chỉ thu dọn được trên 60% số cây xanh gẫy đổ. Và dự kiến phải đến hết tháng 9 này, thành phố mới thu dọn xong, trả lại vẻ phong quang, sạch đẹp cho các tuyến phố, con đường.

z5834692127318_dd02c56fbe90ddd5a860916d6a0ae444.jpg
Khoảng chục cây xà cừ ở đường Bạch Đằng bật gốc đổ xuống sông Sặt

“Chớ thấy cây đổ mà bi quan”

Trước bão, tỷ lệ cây xanh của TP Hải Dương vượt tiêu chí đô thị loại I. Thành phố đã trồng được khoảng 62.000 cây, đạt 13,96 m²/người, vượt 3,96m²/người.

Thành phố có 18 công viên và 106 loại cây. Chỉ tính riêng cây bóng mát thành phố đã có hơn 60 loài, trong đó hơn 30 loài được trồng phổ biến. Những năm gần đây, thành phố có những tuyến đường hoa đẹp như tuyến đường hoa ban Võ Nguyên Giáp, hoa tường vy trên phố Nguyễn Lương Bằng, hoa Osaka trên đường Trường Chinh...

z5834692904978_e3e08c00ecb3d387e75f49526134dd3f.jpg
Cắt tỉa, trồng lại hàng cây ban trên đại lộ Võ Nguyên Giáp

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 4 vừa qua định hướng mục tiêu xây dựng TP Hải Dương thành một đô thị xanh, thông minh. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cây xanh đô thị đạt 15 m²/người. Để hướng tới mục tiêu này, ngoài các yếu tố khác thì việc trồng và chăm sóc cây xanh cũng rất quan trọng. Và sau bão, nhiệm vụ này lại thêm nặng nề hơn.

Chị Phạm Thị Mai Hoa, cán bộ Công ty Quản lý công trình đô thị Hải Dương cho biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và TP Hải Dương “cứu cây xanh nhiều nhất có thể”, Công ty Quản lý công trình đô thị Hải Dương đã làm ngày làm đêm, xem xét kỹ lưỡng từng cây để xác định những cây có thể phục hồi và những cây không còn cơ hội sống. Những “phương thuốc" cứu cây đã được các công nhân công ty khẩn trương áp dụng. Đến nay rất nhiều tuyến phố, những thân cây sau khi cắt tỉa gọn gàng đã được dựng nên. Các cán bộ của công ty đi kiểm tra thường xuyên, nắm bắt từng sự thay đổi của cây để “bắt bệnh” giúp cây có thể hồi phục.

Việc cứu cây là đòi hỏi cấp thiết, nhưng cũng cần nhìn lại tại sao thiệt hại về cây lại lớn đến vậy và phải làm gì để tình trạng này không tái diễn?

Tham khảo ý kiến của nhà sử học Tăng Bá Hoành hay chuyên gia cây xanh Phạm Thị Liêm, phóng viên đều nhận được chung câu trả lời: Sức tàn phá của cơn bão số 3 thật sự quá mạnh, không chỉ Hải Dương mà nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc cũng phải chịu thiệt hại nặng nề về người và của, trong đó có cây xanh.

z5834692716656_36d1e3545e24ebe5bed26b34ab01431d.jpg
Những cây xà cừ còn lại trên đường Hồng Quang

“Tuy nhiên cũng phải nhìn lại, quá trình đô thị hoá, bê tông hoá quá nhanh và nhiều, những hố ga, những vỉa hè bít kín khiến rễ cây ngạt thở, không thể đùn ra, không ăn sâu được nên gặp bão sẽ dễ gẫy đổ. Việc trồng những cây quá to cũng là một bất cập, rễ phát triển chậm, không thể cân bằng với sự phát triển của tán cây nên nguy cơ gẫy đổ rất cao. Ngoài ra, việc trồng cây ở đô thị chủ yếu là trồng bằng đất san lấp, nhiều cát, ít dinh dưỡng cũng làm hạn chế sự phát triển của bộ rễ…”, chị Liêm cho biết.

Còn nhà sử học Tăng Bá Hoành chia sẻ từ cơn bão năm 1968 đến nay mới có một trận bão với sức mạnh lớn đến vậy. Siêu bão khiến rất nhiều nước chịu thiệt hại nên Việt Nam không phải ngoại lệ. "Tuy nhiên, chớ thấy cây đổ mà bi quan, ta phải làm lại cho đúng quy chuẩn để cây có thể phát triển trở lại", ông Hoành nói.

Dẫn kinh nghiệm của người xưa trong việc xây đình làng, đình thường được dựng thấp, có cột to, chân vững, là điểm tựa của làng xã. Khi mọi công trình bị hư hỏng thì người dân có thể ra đình tránh bão. Hay nhà dân khi xưa cũng vậy, thường có nền thấp, hiên hẹp để tránh bão. Từ kinh nghiệm đó nên các cụ ta thường chọn lọc những cây có thể trụ được trước gió bão như cây đề (có bộ rễ khoẻ), cây thị (rễ chắc)...

Để cây khoẻ, phát triển tốt, vững chãi trước giông bão, ông Hoành và chị Liêm đều cho rằng trồng cây phải bảo đảm đúng quy chuẩn kỹ thuật, rễ cây phải ăn sâu vào lòng đất, toả được ra nhiều hướng mới chắc. Việc phát triển hạ tầng đô thị phải được tính toán kỹ lưỡng, tránh nay đào đường, mai lật vỉa hè, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Hạn chế trồng những cây to quá, đã bị cắt rễ, mất rất lâu rễ mới ăn sâu được vào lòng đất. Chỉ nên trồng cây có đường kính dưới 20 cm. TP Hải Dương có mực nước ngầm cao nên chọn lựa những loài cây ưa nước như bằng lăng, lộc vừng… Ngoài ra, việc cắt tỉa cây phải được tiến hành trước mùa mưa bão.

NGÂN HẠNH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xếp lại quá khứ gãy đổ, tìm ra cách mới phát triển cây xanh TP Hải Dương