TP Hải Dương- Đô thị loại I. Bài 1: Kinh tế phát triển nhanh

17/10/2019 09:00

Những năm qua, nền kinh tế TP Hải Dương có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện, xứng đáng là đầu tầu kinh tế, trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa của cả tỉnh.


Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống của người dân thành phố

5.000 doanh nghiệp

TP Hải Dương có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nằm trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kề sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ, TP Hải Dương có lợi thế lớn trong giao lưu, trao đổi thương mại với Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương trong vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đây là trung tâm tăng trưởng kinh tế, đô thị có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Phát huy lợi thế đó, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Dương đã tập trung khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo tiềm lực trong xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh.

Với những tiền đề đã đạt được kể từ khi thành phố được công nhận là đô thị loại II (năm 2009), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Dương đã xác định đến một mục tiêu cao hơn, phấn đấu đưa thành phố phát triển lên một tầm cao mới, một đô thị năng động, phát triển theo hướng bền vững.

Thành phố đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm tốt công tác quy hoạch, tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại.

Trong những năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 14,1%/năm. Giá trị hàng xuất khẩu tăng bình quân 15,4%/năm. TP Hải Dương hiện có 3 khu công nghiệp là Đại An, Nam Sách, Kỹ thuật cao An Phát và 6 cụm công nghiệp là Cẩm Thượng, tây Ngô Quyền, Việt Hòa, Ba Hàng, Ngọc Sơn và Thạch Khôi - Gia Xuyên.

Tỷ lệ lấp đầy tại các khu, cụm công nghiệp đạt cao. Hoạt động của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, trở thành nhân tố chủ lực cho sự phát triển của kinh tế thành phố.

Thành phố có khoảng 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 76 doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có trình độ kinh tế phát triển cao như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Canada... Ngành nghề chủ yếu là sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, điện và linh kiện điện tử, ô tô, hàng dệt may, cơ khí chế tạo, thiết bị cơ khí chính xác...

Các doanh nghiệp đã tạo giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động.

Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề phát triển ổn định. Các làng nghề mộc Đức Minh, Nguyễn Xá, làng bánh đa Lộ Cương tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Khởi sắc toàn diện

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ còn phát triển với tốc độ cao hơn công nghiệp, bình quân 16%/năm. Nhiều ngành có tốc độ tăng trưởng khá cao như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, du lịch, khách sạn…

Thành phố hiện có 11 siêu thị. Số lượng, chủng loại hàng hóa đa dạng, chất lượng cao. Hệ thống chợ hoạt động ổn định. Các cửa hàng tiện ích phát triển nhanh bên cạnh hệ thống cửa hàng bán lẻ truyền thống đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản luôn tăng khá với tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 5,1%/năm. Trong những năm qua, nông nghiệp TP Hải Dương tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, dịch vụ. Một số vùng sản xuất tập trung, nhiều chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được xây dựng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được quan tâm phát triển. Chủng loại sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như cà chua, hoa, cây cảnh, các giống rau màu…

Từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của TP Hải Dương đạt 13,6%/năm. Kinh tế phát triển, TP Hải Dương có điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc gắn với công tác chỉnh trang và xây dựng đô thị văn minh.

Cùng với việc điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã hoàn thành xây dựng chương trình phát triển đô thị, ban hành quy chế quản lý đô thị để hướng đến mục tiêu xây dựng TP Hải Dương trở thành một đô thị hiện đại, bền vững.

Sau 10 năm kể từ khi được công nhận là đô thị loại II, Đảng bộ và nhân dân TP Hải Dương đã nỗ lực phấn đấu không ngừng để đạt được các tiêu chí của đô thị loại I. Kinh tế phát triển mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng đồng bộ, không gian đô thị được mở rộng, văn hóa đô thị đang được xây dựng với đặc trưng là thành phố xanh - văn minh - hiện đại.

VỊ THỦY 

(0) Bình luận
TP Hải Dương- Đô thị loại I. Bài 1: Kinh tế phát triển nhanh