Người nông dân xuất sắc 30 năm đổi mới

19/01/2018 13:31

Anh Vũ Văn Yên (sinh năm 1971) ở thôn Ngoại, xã Minh Hòa (Kinh Môn) là người duy nhất của tỉnh được vinh danh nông dân xuất sắc 30 năm đổi mới.


Anh Yên nuôi 16.000 con gà đẻ trứng, lãi mỗi năm từ 400-500 triệu đồng

Bản lĩnh, quyết đoán cùng với sự kiên trì đã giúp anh Vũ Văn Yên (sinh năm 1971) ở thôn Ngoại, xã Minh Hòa (Kinh Môn) trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017 và là người duy nhất của tỉnh Hải Dương được vinh danh nông dân xuất sắc 30 năm đổi mới.

Đứng lên sau những lần thất bại

Lớn lên trên vùng sông nước Minh Hòa, nơi có nghề vận tải thủy phát triển, ngay từ nhỏ anh Yên đã được định hướng theo nghề này. Mặc dù vậy, năm 1992, khi chính quyền xã có chủ trương chuyển đổi khu đồng trũng ở thôn Ngoại, không chút do dự, anh Yên xin nhận ruộng.

Nhớ lại quãng thời gian vật lộn với từng tấc đất, anh Yên trải lòng: "Sự hiếu thắng của tuổi trẻ đã khiến tôi không lường trước được những trở ngại sẽ phải đối mặt. Ngày ấy, tôi chỉ có 1 mẫu ruộng, 5 triệu đồng và lòng nhiệt huyết. Công sức bỏ ra không thấm tháp gì bởi khu đồng khó cải tạo, đắp được đường đi thì lại hỏng rãnh thoát nước. Khó khăn chồng chất nhưng bế tắc nhất là khi người vợ đồng cam, cộng khổ cùng mình cảm thấy nản lòng. Phải mất một thời gian, tôi mới thuyết phục được vợ tiếp tục con đường đã chọn".

Ban đầu, anh Yên nuôi cá truyền thống và gột cá bột. Do anh chịu khó tìm tòi, học hỏi nên việc nuôi cá thuận lợi, song lợi nhuận thu về chỉ đủ trang trải chi phí. Năm 2000, sau khi tìm hiểu mô hình nuôi cá rô phi và ba ba sông Hồng tại các tỉnh lân cận, anh Yên ngăn ao, vay mượn 150 triệu đồng để mua 1 tấn giống về thả. Với kinh nghiệm nuôi thủy sản được tích lũy trong nhiều năm, anh Yên đã thành công với những loại giống mới này.

Năm 2003, anh đưa giống ba ba gai về địa phương và xây chuồng trại nuôi 160 con lợn thương phẩm. Thế nhưng, đợt dịch bệnh năm 2004 đã cướp đi toàn bộ tài sản, làm cho gia đình anh rơi vào cảnh trắng tay. Ba ba bị nấm mai, cá rô phi nhiễm khuẩn chết nổi trắng mặt ao. Do chỉ chuyên tâm nghiên cứu về vật nuôi dưới nước nên anh Yên thiếu kiến thức về nuôi lợn nên lợn ốm, chết nhiều.

Việc không kiểm soát được chất thải nuôi lợn đã làm cho nguồn nước nuôi cá, ba ba bị ảnh hưởng, vì thế từ năm 2006, anh Yên chỉ tập trung nuôi thủy sản. Đến năm 2009, khi nuôi cá đã ổn định, anh Yên xây dựng mô hình gà đẻ trứng theo quy trình khép kín, sử dụng đệm lót sinh học, không gây ô nhiễm môi trường. Năm 2012, anh tiếp tục thử sức nuôi cá lồng trên sông Kinh Môn.

Mong muốn gây dựng thương hiệu thủy sản quê hương

Trải qua bao khó khăn, vất vả, đến nay, anh Yên đã sở hữu  trang trại chăn nuôi khang trang. So về quy mô, trang trại của anh Yên thuộc diện nhỏ trong tỉnh nhưng tính về hiệu quả kinh tế thì lại đứng hàng đầu. Điều này chứng tỏ việc thiết kế và bố trí trang trại của anh rất hiệu quả. Chỉ với diện tích 2 ha, anh Yên phát triển đồng thời 3 mô hình chăn nuôi gồm gà, cá, ba ba cho thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm. Hiện tại, anh Yên có 10 ao nuôi ba ba với 3.000 con cho thu hoạch gối vụ, 16.000 con gà đẻ trứng và 1 ha mặt nước nuôi cá lồng. Trang trại của anh tạo việc làm ổn định cho 4 lao động và 15 người làm thời vụ.

Với vốn kiến thức tích lũy trong quá trình chăn nuôi, anh Yên được các thành viên của HTX Thủy sản Minh Hòa tin tưởng giao trách nhiệm là người đứng đầu. Suốt 7 năm tham gia HTX, anh Yên thường xuyên tham quan, học tập các mô hình mới trong và ngoài tỉnh để chia sẻ với các thành viên trong HTX. Điều mà anh Yên đau đáu bấy lâu là tìm ra thị trường tiêu thụ ổn định, gây dựng thương hiệu cho thủy sản của quê hương.

Nhiều năm lăn lộn trong nghề, anh Yên đã tạo được uy tín với cánh thương lái. Sản phẩm làm ra luôn được ưu tiên thu mua trước với giá bán cao hơn từ 5-10% so với mặt bằng chung. Dù vậy, việc tiêu thụ vẫn chịu cảnh bấp bênh theo giá cả thị trường. Vài năm nay, giá bán biến động lớn, phần vì tiểu thương thao túng, phần vì người dân bị động chạy theo thị trường mà không có sự tính toán, dẫn tới thua lỗ lớn. "Đối với nông nghiệp, kiểm soát được các khâu trong sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm an toàn mới là thắng lợi bước đầu. Nắm bắt được xu hướng của thị trường để sản phẩm tiêu thụ thuận lợi mới thành công hoàn toàn. Vì vậy, muốn bám trụ với nghề nông, nhất là lĩnh vực đầu tư lớn như chăn nuôi thì phải có sự liên kết chặt chẽ. Tôi đang tìm hiểu, chủ động kết nối với nhiều đầu mối để tìm đầu ra ổn định, giúp các thành viên trong HTX yên tâm sản xuất”, anh Yên cho biết.

Ông Trương Văn Núi, Chủ tịch UBND xã Minh Hòa cho biết gia đình anh Yên là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương. Mặc dù đã tạo dựng được cơ ngơi khang trang nhưng anh Yên vẫn không bằng lòng với chính mình, luôn học hỏi cái mới để áp dụng vào sản xuất. Tinh thần vượt khó vươn lên của anh Yên chính là động lực cho các hộ dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.


NGUYỄN MƠ

(0) Bình luận
Người nông dân xuất sắc 30 năm đổi mới