Cây thanh long phủ xanh đất Thanh Lang

18/07/2019 10:03

Dịp này, đến xã Thanh Lang (Thanh Hà) chúng tôi bị thu hút bởi hình ảnh những vườn thanh long xanh tốt đầy trái đỏ tươi, sai trĩu.


Mỗi năm, vườn thanh long của ông Tăng Bá Châm ở thôn Lang Can 1 cho lãi hơn 45 triệu đồng

Bén rễ trên mảnh đất này khoảng chục năm nay, cây thanh long đem lại hiệu quả kinh tế cao, có thể thay thế những cây ăn quả kém hiệu quả khác.

Ông Tăng Bá Châm ở thôn Lang Can 1 là một trong những người đầu tiên mang giống thanh long về trồng trong xã. Khoảng 10 năm trước, trong chuyến thăm người thân ở tỉnh Bình Thuận, thủ phủ thanh long của cả nước, ông Châm đã mang thanh long về trồng thử 1 sào ở vườn nhà. Vụ đầu tiên khi cây cho quả, vợ chồng ông ngược xuôi khắp các chợ để bán vì khi đó thanh long vẫn là thứ quả còn xa lạ với người tiêu dùng miền Bắc. Khó khăn rồi cũng qua đi, dần dần quả thanh long tiêu thụ dễ hơn. Nhiều người tới tận vườn hỏi mua. Ông Châm quyết định mở rộng diện tích lên 5 sào với khoảng 200 trụ. Theo ông Châm, thanh long là loại cây dễ trồng, không kén đất, chịu được thời tiết khắc nghiệt, không đòi hỏi nhiều công sức chăm bón, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không nhiều. Người trồng thanh long thường chỉ vất vả khi dựng trụ. Tùy vào cách chăm sóc, nếu thường xuyên tỉa cành, bón phân hợp lý thì tuổi thọ của cây có thể kéo dài từ 15-20 năm. Đây là lợi thế so với một số loại cây trồng khác. Ông Châm ví dụ, cây vải phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, có năm được nhưng cũng có năm mất mùa. Nếu trồng ổi thì chỉ được khoảng 3 năm là nông dân phải trồng cây mới, công chăm bón cũng vất vả hơn. Vụ thu hoạch thanh long kéo dài từ cuối tháng 6 đến tháng 10. Đầu vụ, thanh long thường được bán khoảng 25.000 đồng/kg, sau đó duy trì mức giá trung bình từ 15.000-20.000 đồng/kg tùy loại.

Với mức giá này, mỗi năm vườn thanh long của ông Châm cho lãi hơn 45 triệu đồng, cao hơn nhiều so với diện tích trồng vải kém hiệu quả của gia đình ông trước kia. Nhiều người trong thôn, xã đã tìm tới gia đình ông Châm để học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc loại cây mới này. Ông Châm cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục áp dụng một số biện pháp để có thanh long trái vụ. Tuy nhiên, ông mới áp dụng trồng thanh long trái vụ trên diện tích nhỏ vì nếu nhân rộng thì thanh long sẽ giảm cả về sản lượng và chất lượng ở những vụ sau.

Bà Nguyễn Thị Phước ở thôn Lang Can 3 cũng có khoảng 190 trụ thanh long trên diện tích 5 sào vườn. Những cây thanh long ở đây được nhân giống từ huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Không chỉ trồng thanh long ruột trắng, gia đình bà Phước có khoảng 50 trụ thanh long ruột đỏ. Từ khi trồng thanh long đến nay, chưa khi nào vườn thanh long của bà Phước bị mất mùa. Bà cũng ít phải bỏ công sức chăm bón như những cây trồng khác. Vụ năm ngoái, bà thu hoạch được hơn 3 tấn quả, thu lãi hơn 40 triệu đồng. Bà Phước mong muốn thời gian tới, người trồng thanh long sẽ được hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm trồng và chăm sóc, liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Người dân cũng cần được hỗ trợ để triển khai mô hình trồng thanh long sạch theo quy trình VietGAP như một số loại quả khác của địa phương như vải, ổi để có đầu ra ổn định, giá bán cao hơn.

Theo ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch UBND xã Thanh Lang, địa phương hiện có khoảng 25 ha thanh long, cao nhất huyện Thanh Hà. Người dân trồng chủ yếu trong vườn nhà. Ban đầu, người dân Thanh Lang chỉ coi thanh long là loại cây ăn quả thông thường, nhưng khi thấy cây mang lại giá trị kinh tế cao thì mở rộng diện tích. Gần 10 năm trước, cả xã chỉ có khoảng một vài mẫu thanh long thì đến năm 2013 đã tăng lên khoảng 5 ha. Xã vận động người dân thay thế những loại cây kém hiệu quả trong vườn nhà sang trồng thanh long, nhưng không khuyến khích người dân trồng ở vùng chuyển đổi để tránh mở rộng diện tích ồ ạt, gây khó khăn khi tiêu thụ. Ông Hoành cho biết xã đã liên hệ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để thời gian tới chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm bón cây cho nông dân, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho quả thanh long.

 HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Cây thanh long phủ xanh đất Thanh Lang