Phim truyền hình Việt hút khán giả

24/08/2019 10:19

Gần đây, nhiều bộ phim truyền hình Việt tạo được sức hút lớn với đông đảo khán giả khiến chúng ta có thể hy vọng về thời hoàng kim của dòng phim này trong tương lai gần.


Một gia đình ở phố Ghẽ, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) chờ phim“Về nhà đi con” ngoại truyện lên sóng

Mong chờ

Hơn chục năm trước, nhắc đến phim truyền hình Việt Nam, khán giả không mấy mặn mà bởi phần đông cho rằng phim Việt nhảm và nhạt. Điều đó không sai, bởi một thời gian dài phim truyền hình mất phương hướng, đi vào lối mòn, thậm chí câu khách bằng chiêu trò rẻ tiền. Thời điểm ấy, giới chuyên môn đau đáu câu hỏi “Đến khi nào phim Việt mới trở về thời hoàng kim?". Nhưng tình thế có vẻ thay đổi trong gần 3 năm trở lại đây khi phim truyền hình Việt nhận được nhiều quan tâm từ khán giả.

Một số phim lên sóng gần đây ít nhiều hút khán giả như "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", "Ghét thì yêu thôi", "Thương nhớ ở ai", "Quỳnh búp bê"… Và năm nay, thành công của “Về nhà đi con” đã minh chứng rằng phim truyền hình Việt vẫn có thể làm khán giả say mê. Nhiều người thấp thỏm trước mỗi tập phim sắp lên sóng, phát sóng xong phim lại trở thành chủ đề bàn tán trên khắp các trang mạng xã hội. Đã có những câu nói, phong cách thời trang của nhân vật trở thành trào lưu, xu thế. Để rồi khi phim kết thúc, nhiều khán giả hụt hẫng.

Là người theo dõi “Về nhà đi con” ngay từ những tập đầu tiên, chị Nguyễn Thị Nguyệt ở phố Hồng Quang (TP Hải Dương) cho biết: “Phim chiếu từ tối thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần nên tôi đã quen với cảm giác trông chờ phim lên sóng mỗi khi tuần mới bắt đầu. Thế nên giờ không có phim nữa, cảm giác hơi hụt hẫng”.

Còn chị Nguyễn Mai Hương ở phố Ghẽ, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) cho rằng: “Trước đây, tôi không theo dõi phim Việt vì chỉ xem vài tập là đoán được cái kết. Nhưng phim này tôi thấy cuốn hút, có tình tiết bất ngờ, nội dung về tình cảm gia đình, cha con được xây dựng rất đời, các diễn viên lại diễn tự nhiên không gượng ép. Nếu những phim sau vẫn được như vậy thì tôi nghĩ khán giả sẽ ủng hộ phim Việt”.


Phim truyền hình Việt gần đây thu hút nhiều người xem

Biên kịch giỏi như “sao buổi sớm”

Theo thống kê của Đài Truyền hình Việt Nam, chỉ riêng lượng rating (xem) trên trang web trực tuyến của VTV, “Về nhà đi con” đã có khoảng 50.000 người xem trực tiếp, trong khi những phim phát sóng cùng thời điểm chỉ khoảng 10.000 người. Do đó, lượng khán giả xem trực tiếp trên truyền hình sẽ còn nhiều hơn gấp bội. Theo bảng giá quảng cáo mà VTV công bố, thời điểm mới lên sóng, mỗi quảng cáo 30 giây là 75 triệu đồng. Nhưng từ ngày 1.7.2019, mức giá được tăng lên 120 triệu đồng cho mỗi thương hiệu muốn xuất hiện trong thời gian chiếu phim 30 giây. Mức quảng cáo này trước nay chỉ dành cho các gameshow cực “hot”.

Để tạo ra thời hoàng kim của phim truyền hình Việt còn cần nhiều yếu tố khác nữa, nhất là sự nỗ lực của các nhà làm phim. Trong khi yếu tố cốt lõi của một bộ phim tốt là có kịch bản hay thì ở Việt Nam, nhà biên kịch giỏi vẫn đang như “sao buổi sớm”. Điểm lại những bộ phim mới nổi gần đây, đa phần phim lấy từ kịch bản nước ngoài hoặc phim remake (phim làm lại). “Về nhà đi con” cũng là một sản phẩm remake của “Khi đàn ông góa vợ bật khóc” của đạo diễn Vũ Trường Khoa, đã phát sóng trên truyền hình năm 2013. Còn “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”… lấy kịch bản của nước ngoài. Thực tế thì người viết lại kịch bản đã “Việt hóa” hoặc biến tấu cho phim gần gũi hơn, chân thực hơn nhưng để có một bước tiến xa hơn cho phim Việt thì vẫn cần sự nỗ lực tổng thể từ kịch bản, diễn viên và khâu đầu tư.

Sự đầu tư thể hiện ở việc chăm chút, lựa chọn kỹ lưỡng cho từng vai diễn và chuyên nghiệp hóa trong từng khâu sản xuất. Nó đặc biệt quan trọng bởi đầu tư thỏa đáng chính là giải pháp sống còn của phim truyền hình Việt trong tình thế lắm cạnh tranh như hiện nay. Trong khi “gu” thưởng thức của khán giả trong nước ngày càng đòi hỏi chất lượng, mong muốn được xem những phim tốt, thậm chí tương đương với chất lượng phim của các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, thậm chí là Hollywood (Mỹ)... Thực tế ấy đòi hỏi các nhà làm phim phải tập trung đầu tư và đổi mới thì mới có thể giúp phim truyền hình Việt Nam lấy lại vị thế.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phim truyền hình Việt hút khán giả