Độc đáo lễ hằng thuận

15/01/2018 21:11

Lễ hằng thuận - lễ cưới tại chùa cho con cái là dịp để các đôi vợ chồng trẻ được các vị tu hành truyền trao những lời dạy quý báu của đạo Phật về tình nghĩa vợ chồng.


Kết thúc buổi lễ là nghi thức phóng sinh phát tâm từ bi, cầu may mắn

Nét đẹp văn hóa

Sáng chủ nhật một ngày cuối năm, rất đông các phật tử có mặt tại chùa Cự Linh, xã Tân Hưng (TPHải Dương) để dự lễ hằng thuận và trợ duyên cho hai bạn trẻ Trần Ngọc Lân (Hà Nội) và Trần Thị Quỳnh Trang (TP Hải Dương).

Đúng 8 giờ 30, lễ hằng thuận bắt đầu. Cô dâu, chú rể cùng hai gia đình rước lễ lên Tam bảo. Đi đầu là các khay hoa, nến, sau là chú rể, cô dâu tay cầm khánh vừa đi vừa điểm nhịp. Phía sau cặp phu thê là các tăng ni, người thân.

Đoàn rước tiến vào chính điện trong sự cung nghênh của hàng trăm phật tử niệm chú gia hộ. Đến trước Tam bảo, cha mẹ hai bên cùng cô dâu, chú rể bày đồ, thắp hương kính cẩn hành lễ. Sau nghi thức trang nghiêm, qua lời bạch của hai bên bố mẹ, sư thầy Thích Tuệ Hải cùng các tăng ni đứng ra tổ chức lễ theo nghi thức Phật giáo.

Hai bạn trẻ được truyền giảng về trách nhiệm công dân với xã hội, trách nhiệm con cái với cha mẹ, trách nhiệm vợ chồng theo quan điểm của đạo Phật. Trước Tam bảo, hai bạn trẻ phát nguyện sống thuận hòa đến cuối đời. Sau đó, sư trụ trì giảng cho cô dâu, chú rể, người thân hai bên về kinh hạnh phúc. Khoảng một tiếng sau, trong sự chứng kiến của người thân, sự trợ duyên của các tăng ni, phật tử, cô dâu chú rể được sư trụ trì trao nhẫn cưới. Sau nghi lễ phóng sinh, mọi người có mặt tham dự bữa cơm chay mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ. Buổi lễ diễn ra trong không khí tôn nghiêm, ngập tràn niềm vui.

Tâm sự về lễ hằng thuận của mình, cô dâu Trần Thị Quỳnh Trang cho biết: "Gia đình hai bên chúng em đều quy y cửa Phật. Bản thân em cũng quy y tại chùa này nên mong ước lúc lập gia đình sẽ được đến đây làm lễ hằng thuận. Không chỉ vui, em còn cảm thấy may mắn khi được rất nhiều tăng ni, phật tử có mặt trợ duyên".

Theo tìm hiểu, hằng thuận là nghi lễ tâm linh diễn ra ở hầu hết các chùa trong tỉnh có các vị chức sắc tu hành trụ trì. Là một nghi lễ tâm linh độc đáo trong đạo Phật nên từ lâu, lễ hằng thuận được một số gia đình phật tử lựa chọn tổ chức khi con cái kết hôn. Có chùa một năm tổ chức vài ba đám, chùa nhiều thì vài chục đám. Tại chùa Cự Linh, mỗi năm diễn ra gần chục lễ hằng thuận. Các cặp đôi không chỉ ở Hải Dương mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... cũng đến đây tổ chức lễ hằng thuận. Chùa Bình Lâu ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) mỗi năm cũng diễn ra hơn chục lễ hằng thuận. Theo sư thầy trụ trì, lễ hằng thuận giống nghi lễ cưới tại nhà thờ của người theo đạo. So với trước, gần đây, người đến chùa tổ chức lễ hằng thuận đông hơn. Không chỉ các cặp đôi là người Việt mà còn cả những cặp vợ Việt, chồng Tây cũng đến chùa Bình Lâu tổ chức lễ này.

Ý nghĩa tâm linh sâu sắc

Chùa Linh Sơn Vạn Phúc (TP Hải Dương) là nơi tổ chức lễ hằng thuận cho các cặp đôi từ cách đây 20 năm. Trong cuộc đời tu hành, sư thầy trụ trì Thích Nữ Diệu Ngân đã đứng ra tổ chức hàng trăm lễ hằng thuận cho các cặp đôi. Hiện mỗi năm có khoảng 30 cặp đôi đến chùa Linh Sơn Vạn Phúc và hai ngôi chùa do sư thầy coi sóc tại các huyện Kinh Môn, Kim Thành để làm lễ hằng thuận. Không chỉ các gia đình quy y mà rất nhiều gia đình không phải phật tử cũng đến nhờ nhà chùa tổ chức lễ hằng thuận cho người thân.

Theo sư thầy Diệu Ngân, lễ hằng thuận là nghi lễ tâm linh để cho đôi vợ chồng ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm trong cuộc sống gia đình, từ đó hướng đến một đời sống hôn nhân vững bền, hạnh phúc. Trong đó, chữ "hằng" thể hiện sự lâu dài, vĩnh hằng, cũng là ý nghĩa hằng ngày. Chữ "thuận" là sự thuận hòa, thuận ý, thuận duyên. Lễ hằng thuận không chỉ mang ý nghĩa tâm linh khi được tôn tượng đức Phật minh chứng, trợ duyên mà các cặp vợ chồng còn được truyền giảng giáo lý cuộc sống vợ chồng, gia đình, xã hội.

Cũng theo sư thầy Diệu Ngân, phóng sinh là nghi thức tâm linh quan trọng trong lễ hằng thuận, thể hiện sự từ bi của người tu hành. Các sinh vật được phóng sinh là chim, cua, ốc, cá… phải được gia chủ gặp mua tình cờ. Sau khi buổi lễ kết thúc, mọi người dự tiệc chay vừa thể hiện tinh thần đạo Phật vừa tránh sát sinh trong ngày đại hỷ. Sau lễ hằng thuận tại chùa, các gia đình lựa ngày tổ chức tiệc mặn báo hỷ đến bạn bè thân quyến.

Là nghi thức Phật giáo, gắn với đời sống và mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, lễ hằng thuận đang ngày càng lan tỏa và có sức ảnh hưởng trong cộng đồng dân cư, trở thành nét văn hóa độc đáo, góp phần làm giàu kho tàng phong tục truyền thống của người Việt.

HẰNG TRẦN

Theo các tài liệu, nghi lễ cưới tại chùa do cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật, bút hiệu là Đồ Nam Tử (1883 - 1940, quê ở Nam Sách, Hải Dương) nghĩ ra. Ông vốn là một nhà nho, sau quy y Tam bảo. Với lòng nhiệt thành phụng sự Phật pháp và quan điểm đạo Phật nên dấn thân, hòa hợp vào quần chúng, ông cho rằng việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ có lợi ích cho gia đình phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh. Hưởng ứng lời kêu gọi của ông, vào năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã dùng hai chữ “hằng thuận” để chỉ việc kết hôn trước cửa phật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo lễ hằng thuận