Nhiều năm nay, số doanh nghiệp (DN) thành lập trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, liên tục. Nhưng sự phát triển về số lượng lại không đi đôi với chất lượng.
Điều kiện thành lập khá dễ dàng nên số lượng doanh nghiệp tăng nhanh và liên tục. Trong ảnh: Đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh
Điều kiện thông thoáng
Công ty TNHH Mạc Gia Hải Dương ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) được thành lập đầu tháng 3.2019. DN này chuyên bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng, máy nông nghiệp, sửa chữa máy, thiết bị công nghiệp. Ông Mạc Quang Chiến, Giám đốc công ty cho biết: "Tôi không nghĩ việc thành lập DN lại dễ dàng đến thế. Chỉ mất khoảng 2 ngày, tôi đã hoàn thiện xong các thủ tục để thành lập DN. Với vốn điều lệ 1 tỷ đồng và 3 lao động, DN của tôi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.3.2019".
Sở dĩ ông Chiến có thể nhanh chóng thành lập DN bởi điều kiện hiện tương đối dễ dàng. Theo quy định của Luật DN năm 2014, để thành lập DN, các tổ chức, cá nhân chỉ cần đáp ứng các điều kiện về chủ thể thành lập DN, những ngành nghề kinh doanh và một số điều kiện khác như ngành nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm, tên của DN được đặt theo đúng quy định, hồ sơ đăng ký hợp lệ, nộp đủ lệ phí đăng ký DN theo quy định. Đối với vốn điều lệ, Luật DN không quy định cụ thể về mức vốn tối đa, tối thiểu, cũng không yêu cầu chứng minh số vốn đăng ký. Các tổ chức, cá nhân có thể đăng ký vốn điều lệ tùy theo quy mô hoạt động của mình. Đối với một số DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, vốn điều lệ do luật chuyên ngành quy định.
Thời gian qua, nhằm tạo điều kiện cho DN mới thành lập, DN khởi nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11.3.2018 của Chính phủ, DN sẽ được hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, tiếp cận tín dụng. Các DN nhỏ và vừa được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi với lãi suất hợp lý, được Nhà nước hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh...
Cùng với những chính sách hỗ trợ chung của Chính phủ, đầu năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho tỉnh thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển DN. Theo đó, đối với DN mới thành lập, sở đề xuất ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% mức lệ phí đăng ký thành lập, phí cung cấp thông tin DN; hỗ trợ 50% phí dịch vụ sử dụng chứng thực chữ ký số trong một năm đầu tiên...
Số lượng tăng nhanh
Giai đoạn 2016-2018, số lượng doanh nghiệp thành lập trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 14,5%/năm, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước
Theo thống kê của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), từ năm 2015 đến nay, số lượng DN mới thành lập trên địa bàn tỉnh tăng nhanh và liên tục. Năm 2015, toàn tỉnh có 1.045 DN thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký 4.971 tỷ đồng, tăng 34,2% số DN, tăng 54,3% số vốn so với năm 2014. Trong giai đoạn 2016 - 2018, số lượng DN thành lập tăng bình quân 14,5%/năm, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước.
Trong kế hoạch phát triển DN đến năm2020 của tỉnh, mục tiêu Hải Dương có từ 16.000 - 17.000 DN, trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Kế hoạch là vậy nhưng tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ có khoảng 20.000 DN, vượt từ 3.000 - 4.000 DN. Riêng năm 2019, Hải Dương phấn đấu thành lập 2.500 DN và đến nay, theo Cục Thuế tỉnh, toàn tỉnh có 17.829 DN, HTX đã được cấp mã số thuế.
Số lượng DN mới thành lập tăng nhanh, liên tục trong nhiều năm nhưng lại không đi cùng chất lượng. Nhiều DN hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, không ít DN bị phá sản, ngừng hoạt động. "Sức khỏe" của DN sau thành lập trở thành vấn đề rất đáng quan tâm.
NGUYỄN LAN - VỊ THỦY