Thiên nhiên dạy những điều kỳ diệu

05/11/2017 13:50

Đã từ lâu, bố tôi rất thích tiếng chim trong vườn. Ngôi vườn còn sót lại trong quá trình đô thị hóa, đã trở thành nơi lưu trú của nhiều loài chim nhỏ.

Đã từ lâu, bố tôi rất thích tiếng chim trong vườn. Ngôi vườn còn sót lại trong quá trình đô thị hóa, đã trở thành nơi lưu trú của nhiều loài chim nhỏ. Dường như nhận biết được sự bình yên ở đó và tấm lòng nhân hậu của bố tôi, nên lũ chim có vẻ thích thú, không muốn di chuyển. Chúng cứ ở đó, để vui chơi và hót. Bố tôi thương chúng, đã mở rộng vườn, trồng thêm vài loại cây cho thế giới của chúng trở nên rộng hơn. Ông và những người bạn già vẫn tổ chức những buổi đánh cờ vui vẻ. Gió và tiếng chim là những điều thật sự kỳ diệu mà những người bạn già của ông vẫn lấy làm thèm khát, bởi họ không có khu vườn nào. Cùng lắm thì họ chỉ có một vài cây cối nhỏ. Nên họ nể bố tôi. Họ coi vườn nhà tôi như một món tài sản khổng lồ mà trong khu vực chẳng ai có. Điều đó làm bố tôi tự hào. Những thành viên trong nhà tôi rất đỗi sung sướng.

Vâng, ở ngoài kia, đất lành… chim chết. Những chú chim bị săn đuổi bằng nhiều cách. Đôi bàn tay của một số người thực dụng, vì lợi nhuận đang tàn sát thiên nhiên. Điều đó đã khiến cuộc sống này buồn đi biết bao nhiêu, bớt đẹp biết bao bởi tiếng chim cứ bị vắng dần. Biết bao loài trở nên tuyệt chủng. Tại sao con người có thể vô tình đến thế. Họ đầu độc chính môi trường sống của mình. Lũ chim cứ bị săn đuổi, không có đường thoát. Chúng và đàn của chúng rời rạc, tan tác. Chúng bay đi đâu, tìm nơi đâu chỗ trú ngụ? Chúng biết đến vùng đất nào để sinh tồn, khi chỗ nào cũng thấy bẫy giăng ra, hiểm họa có thể ập đến?

Tự nhiên tôi thấy việc làm của bố có ý nghĩa. Những cử chỉ dịu dàng của ông với thiên nhiên, ít nhất là trong ngôi vườn nhà mình đã để lại trong tôi bài học sâu sắc. Rằng, con cá bơi dưới nước thì yêu nước, con chim ca yêu bầu trời. Con người ngoài yêu đồng loại, thì phải yêu cả tự nhiên nữa. Yêu lấy các loài chim nhỏ bé là ta đã yêu những điều giản dị. Biết quý những điều giản dị, là trái tim ta đã thật sự biết rung động trước ngay cả một tiếng lá rơi, một tiếng chim hót trong chiều bình yên.

Có lẽ, trong tâm hồn những người già, sự thâm trầm của họ trở nên “vô lý” trong cuộc đời này, khi mà những người trẻ chọn cách sống thực dụng, ăn xổi. Họ không đủ nhẫn nại để học được cách lắng nghe người khác, nghe thiên nhiên thầm thì. Bố tôi đã vơi bệnh vì yêu tiếng chim. Đó không chỉ là bệnh viêm khớp, mà cả bệnh mất ngủ triền miên cũng được xua tan bởi ông đã chạm tay được vào sự kỳ diệu của tự nhiên. Ông quan sát chim và nghe tiếng chúng, trò chuyện với chúng. Rồi lại có những ngày bố đi dọc bờ đê để nghe tiếng những lũy tre rì rào, tiếp thêm năng lượng từ tiếng của tự nhiên. Bố đã dạy các con về bài học giá trị. Khi nhiều người dần trở nên ích kỷ, chỉ biết mỗi bản thân mình, thì mỗi lần chạm tay được vào thiên nhiên, với mối giao cảm nồng nàn, chúng ta có thể cứu được một tiếng chim.

Khoan nói đến những cống hiến to tát, khoan bàn đến những chuyện vĩ đại, sao chúng ta không thử ngồi lắng nghe tiếng thở của tự nhiên, tiếng động cựa của sự sinh sôi trong từng kẽ lá? Chúng ta sẽ thấy thiên nhiên sinh động và có hồn, vượt qua sự tưởng tượng của con người. Và biết đâu ở trong đó, chúng ta học được những bài học quý giá.

Bố tôi đã dạy tôi cách yêu tự nhiên. Trong suốt tuổi thơ của mình, tôi đã du dương với cánh chuồn chuồn, cánh bướm… Tôi đã thả ước mơ theo con diều vào bầu trời. Ở đó, thiên nhiên cho tôi bài học nhẫn nại và biết yêu, ngay cả tiếng động cựa của một mầm xanh nhỏ. Bạn thử một lần lắng nghe thiên nhiên thầm thì mà xem, bạn sẽ nhận ra biết bao điều cần khám phá.


Tản văn của NGUYỄN VĂN HỌC

(0) Bình luận
Thiên nhiên dạy những điều kỳ diệu