Về một chi tiết lịch sử trong bài “Yêu sao sông nước Kinh Môn”

28/03/2017 06:08

Hải Dương hằng tháng số Tết Đinh Dậu 2017 có bài Yêu sao sông nước Kinh Môn của tác giả Văn Duy, trong đó có câu: “Vì thế dấu tích còn đây: Hang ở núi Con Mèo trên bờ sông Đá Vách, đã từng là nơi vua Trần Nhân Tông dùng làm nơi đồn trú chỉ huy quân sĩ chặn giặc từ Bạch Đằng lên”.<br>

Xin thưa với Văn Duy, không có bất cứ một căn cứ nào để bạn nói vua Trần Nhân Tông đã đồn trú quân sĩ để chỉ huy trận Bạch Đằng từ hang núi Con Mèo.

Trước hết núi Con Mèo không có hang, nó là núi, như hai câu thơ mở đầu bài luật đường của một viên quan nhà Nguyễn nào đó, viết và cho khắc vào vách đá núi Mèo khoảng những năm 20 của thế kỷ XX rồi gán cho vua Trần Nhân Tông: “Đứng thốc trên sông một đọi đèo/Vặn hình ra thể dáng con Mèo”. “Đứng thốc” là đứng thẳng. Phía nam núi có một khoảng lõm vào như cái mái hiên nhà, cái mái này vảy ra khoảng hơn 1 mét, khoảng 5-7 người đứng được, thế thôi, trong đó khắc bài thơ thời Nguyễn đã nói trên. Vách đá cũng thẳng, không có hang nào cả, kể cả bốn chung quanh núi Mèo.

Thứ hai, nó ở “trên sông”, ở giữa sông, không phải ở “trên bờ”, như Văn Duy viết.

Thứ ba, đây chỉ là một doi đất đứng được khoảng 20 người là cùng. Núi “đứng thốc trên sông”, thẳng đứng, một bên là lạch nước rất sâu chảy giữa 2 vách núi đá cao, một bên là bãi sú vẹt nông, nước triều lên thì ngập đến vai người, nước rút có thể lội qua được. Đấy là tất cả những gì hằng ngày tôi trông thấy cách đây khoảng 40 năm. Vậy đồn trú quân thì quân đóng ở vào chỗ nào?

Tôi đã mất đến hơn 20 năm làm rõ các sự tích liên quan đến vua Trần Nhân Tông ở nơi này, để xác định rằng đó chỉ là chuyện dân gian mà thôi. Có thể có một nhóm dân quân nào đó phục kích ở đây chăng? Có thể lắm! Nhưng cũng là ta suy ra thôi, chứ không có bất cứ một cứ liệu lịch sử nào để xác định là có.

Tôi đã đọc Đại Việt sử ký toàn thư của thời Lê, Việt sử Thông giám Cương mục của thời Nguyễn, An Nam chí lược của sử gia giặc đi theo quân Nguyên, và các đoạn quan trọng liên quan của Nguyên sử (qua tài liệu được trích dẫn) tuyệt đối không thấy ghi bất cứ một chi tiết nào về điều này. Trong các công trình nghiên cứu của ta vài chục năm nay, cuốn sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm, được tái bản nhiều lần, theo tôi là một công trình khoa học công phu, tâm huyết nhất, sâu sắc và cũng có đầy đủ chứng cứ đáng tin cậy nhất cũng không thấy có bất cứ một chi tiết nào về điều này.  Hơn nữa, nơi này gần sở chỉ huy của giặc, từ Vạn Kiếp, nơi Thoát Hoan chiếm được và đóng quân, đến đây chỉ trong khoảng  hơn 2 giờ ngựa phi,  địa điểm này, một tổ dân quân phục kích thì còn được, còn đóng quân thì không được, vì cả tiến và thoái đều bất lợi cho việc quân.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư và các truyền thuyết và thần tích một số đền và đình ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) mà tôi vừa khảo sát, thì vua Trần từ Thái Bình qua Kiến An rồi vào trận Bạch Đằng ở bờ nam, nay là huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Dọc đường vẫn còn nhiều tên làng mang dấu ấn đó như Voi Phục, Lưu Kì, Lưu Kiếm...

TRẦN NHUẬN MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về một chi tiết lịch sử trong bài “Yêu sao sông nước Kinh Môn”