Nhìn từ câu thơ “cánh nhạn tin xuân”

05/02/2019 10:06

Bước vào ngưỡng cửa mùa xuân Kỷ Hợi 2019, thật nhiều vẻ đẹp chúng ta đang chiêm ngưỡng.



Bước vào ngưỡng cửa mùa xuân Kỷ Hợi 2019, thật nhiều vẻ đẹp chúng ta đang chiêm ngưỡng. Từ cảnh vật thiên nhiên trong cỏ cây, hoa lá. Trong tia nắng vàng tơ. Trong màn mưa rây bụi. Trong cành xanh, lộc biếc làm tươi non, đổi thay nơi ánh mắt ta nhìn. Đấy là thiên nhiên giữa sớm mai này, “cái ngoài ta” đang về theo quy luật vận động của vũ trụ.

Còn không gian? Cái cũng “thuộc về ngoại giới” nhưng nó mọc dậy và phát sáng từ bàn tay, trí tuệ con người. Đấy là phố phường, những tòa nhà đủ sắc màu, dáng vẻ. Đấy là, những công trình khoa học của thời đại “cách mạng công nghiệp 4.0” với bao nhiêu công nghệ tinh vi, hiện đại và kỳ diệu.

Trước bao nhiêu đổi thay lớn lao và mới mẻ, từ câu thơ xa cũ “Tin xuân”. Hay “Tin sương”. Hay “cánh nhạn đưa tin”... nào đó. Trong “cái nhìn” từ một góc nhỏ ở sự giao lưu, kết nối giữa con người với con người. Giữa các quốc gia, dân tộc này với các quốc gia, dân tộc khác... Chúng ta không thể quên, từ thuở hoang sơ mà ngỡ như mới đó, khi con người phải lấy “tiếng hú” để truyền tin cho nhau. “Tiếng hú” trở thành đường dây vô hình vang vọng trong đại ngàn núi rừng, sông biển của thế giới loài người.

Thế rồi, ngôn ngữ hình thành, chữ viết ra đời, nghề in xuất hiện trở thành những bước ngoặt tiến hóa của lịch sử nhân loại. Trong văn học cổ điển, chúng ta còn tìm thấy dấu vết một hình thức truyền tin được ghi lại từ một loài chim. Đấy là, từ xa xưa, người ta đã phát hiện ra loài chim nhạn ở phương Bắc, mùa thu thường bay về phương Nam để tránh rét. Mùa xuân, chim nhạn lại từ phương Nam bay về. Bởi thế, người “đi thú” phương Bắc thường bắt chim nhạn buộc thư để đưa về quê hương. Hán Chiêu Quân trên đường đi cống Hồ thường gửi thư theo cách này.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đầu thế kỷ 15, khi bị giặc vây hãm ở thành Vũ Ninh, Trần Nguyên Hãn đã buộc tờ biểu vào chân chim bồ câu thả về đại bản doanh của Lê Lợi. Nhận được tờ biểu, Lê Lợi đã kịp thời phái quân đi vây giải cho Trần Nguyên Hãn.

Phong thư được chuyển bằng chim nhạn hay chim bồ câu được gọi là “tín cầm”. Bởi vậy, ngày xưa hễ thấy chim nhạn từ phương Bắc bay về, người ta lại nghĩ đến chuyện “nhạn báo tin xuân”.

Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã dùng hai chữ “tin sương” để viết:

Sự lòng ngỏ với băng nhân
Tin sương đồn đại xa gần xôn xao


Hoặc:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
“Tin sương” luống những rày trông mai chờ


Trong tiến trình phát triển của xã hội, lịch sử ngành bưu điện là chứng tích tiêu biểu, đánh dấu mốc phát triển huy hoàng của nền văn minh nhân loại. “Bưu” có nghĩa là truyền thư tín. Từ đó mà có từ “Bưu chính” là cơ quan làm nhiệm vụ chuyển thư từ, bưu phẩm.

Thời xưa, người ta cưỡi ngựa để chuyển thư từ, công văn. Người chuyển thư gọi là “dịch phu”. Con ngựa dịch phu cưỡi gọi là “dịch mã”. Con đường dịch mã chạy gọi là “dịch đạo” hay “dịch lộ”. Tùy theo đường “dịch đạo” dài ngắn, người ta đặt những “trạm” để chuyển đổi “dịch phu”. Nhà trạm ấy gọi là “dịch đình”. Người trông coi “dịch đình” gọi là “dịch thừa” hay “dịch lại”. Những địa danh “Mai Dịch”, “Dịch Vọng” ở Hà Nội ngày nay là những dấu tích của những dịch đình thời cổ. Thời Bắc thuộc, bọn thái thú đã đặt nhiều dịch đình, dịch quán để vận chuyển thư từ và đồ cống nạp. Cứ 10 dặm đặt một lư (ngôi nhà nhỏ). 30 dặm có một túc (ngôi nhà lớn hơn). 50 dặm có một thị (nơi có chợ để mua bán hàng hóa). 70 dặm có một phố (nơi phố phường đông vui hơn). 150 dặm đặt một đinh (nơi có quân lính đóng). Mỗi địa điểm trên lại đặt thêm quán đợi (hầu quán). Quán để ngựa (yết mã đình). Nhà đón khách (nghinh lữ)…

Thời nhà Trần, mỗi nhà trạm được chia cách nhau từ 15 đến 20 cây số. Mỗi trạm đều có biển gỗ ghi, chỉ rõ phương hướng.

Đến thời Nguyễn, các “phong hỏa đài” được thiết lập từ tuyến biên giới, tuyến phòng thủ bờ biển để truyền tin về kinh đô. Buổi đầu, bưu chính nằm trong tổ chức của Bộ Lại. Từ Minh Mạng, do phải đối phó với các cuộc khởi nghĩa của nông dân, lớn nhất là cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành, hệ thống bưu chính được giao cho Bộ Binh quản lý. 11 tỉnh thành được lập nhiều nhà trạm. Mỗi nhà trạm đều được xây bằng gạch hay tre nứa. Sách “Đại Nam thực lục chính biên” ghi rõ: Trên cửa ra vào mỗi nhà trạm có treo biển sơn son thếp vàng dài 3 thước 2 tấc, rộng 1 thước, 5 tấc, 5 phân, biển khắc ba chữ tên trạm. Ở sân trạm, trồng cột, treo cờ vải màu vàng, hình vuông. Quanh nhà trạm đều có hào và tường bao. Ở các góc tường có chòi canh. Vũ khí trang bị từ 10 đến 20 ngọn giáo. Từ năm 1832, đắp thêm nhiều đường chạy ngựa về trạm. “Trạm Chay” thuộc huyện Hưng Hà (Thái Bình) ngày nay là địa danh còn sót lại từ thời Lê, Nguyễn.

Hình ảnh người phu trạm thời phong kiến ở nước ta cũng được ghi chép trong nhiều sử sách và một số tài liệu của Pháp. Ví như mỗi khi chạy ngựa trạm cho triều đình, “dịch phu” mặc áo nâu nẹp đỏ, thắt lưng vàng bỏ mối bên trái, dắt theo một chiếc nhạc đồng, đầu chít khăn xanh bỏ mối bên phải và mang theo một lá cờ nhỏ, đỏ, thêu bốn chữ  “mã thượng phi đề” (ngựa chạy chuyển văn thư).

Lịch sử ngành bưu điện thế giới đã ghi lại những phát minh quan trọng về máy điện báo “moóc-xơ” năm 1837, cống hiến lớn lao của Xác-út Phen-đơ thả cáp xuyên Đại Tây Dương nối liền châu Âu với châu Mỹ cùng với phát minh máy điện thoại vừa nói vừa nghe; và sau đó là đèn điện tử hai cực, ba cực ra đời đã tạo điều kiện cho kỹ thuật vô tuyến hoàn thiện. Ngày nay, thế giới có hàng nghìn, hàng vạn vệ tinh cố định và di động bay trên bầu trời đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống viễn thông quốc tế. Qua email, Messenger, Zalo, Viber... chỉ cần một cú chạm màn hình cảm ứng, con người trên trái đất được kết nối, không còn thấy xa xôi, cách biệt...

Đứng trước mùa xuân. Trước rất nhiều thành tựu của khoa học hiện đại, nhìn từ câu thơ “Tin sương”, hay “cánh nhạn tin xuân”. Chỉ riêng thành tựu của công nghệ thông tin, mạng “kết nối vũ trụ”... Sớm mai này, lần theo dấu vết từng bước của con người đã “ra đi và lớn lên” trên mặt đất. Qua một góc nhỏ của “cái ngoảnh nhìn”, chúng ta gặp những gì trong niềm vui, niềm tự hào của con người đang có. Một “vai trò chủ thể” thật hệ trọng và vĩ đại trước “khách thể” vô cùng rộng lớn.

KIM CHUÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn từ câu thơ “cánh nhạn tin xuân”