Mạnh tay xử lý “ma men” sau vô lăng

14/02/2018 10:00

Năm 2017, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) tập trung lực lượng, phương tiện để xử lý mạnh tay với vi phạm sử dụng đồ uống có cồn trước khi lái xe.


Xử phạt nghiêm khắc người điều khiển phương tiện uống rượu bia là một trong những giải pháp hạn chế tai nạn giao thông

“Sợ đến già”

Cuối tháng 12.2017, anh Hoàng Văn T., sinh năm1989, ở Ân Thi (Hưng Yên) lái ô tô Hyundai 89A - 060.98 trên quốc lộ 38B đã bị Đội tuần tra kiểm soát số 2 của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt kiểm tra, phát hiện nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép. Với vi phạm này, anh T. bị xử phạt 17 triệu đồng. Không chỉ bị tạm giữ giấy phép lái xe trong 2 tháng, anh T. còn bị tạm giữ phương tiện, nên phải cùng vợ con đón xe khách về Hưng Yên. “Tôi lái ô tô đã nhiều năm nên rất biết lái xe sau khi sử dụng rượu, bia nguy hiểm ra sao. Chưa bao giờ tôi uống rượu rồi lại cầm lái. Lần này vừa từ Hải Phòng dự đám cưới về, mặc dù chỉ uống vài chén nhưng nồng độ cồn đã vượt ngưỡng. Với mức phạt quá lớn như trên, sợ đến già tôi cũng không dám thêm một lần vi phạm”, anh T. thành thật.

Ngoài anh T., còn rất nhiều trường hợp khác đã bị lực lượng cảnh sát giao thông xử lý vi phạm nồng độ cồn với mức rất nặng. Theo đại diện Đội Tham mưu - Tổng hợp (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt), việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được thực hiện theo các đợt cao điểm, chuyên đề và tiến hành trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi này mới được triển khai thực sự bài bản, quyết liệt và mang lại hiệu quả cao trong năm 2017. Hiện các đội, trạm của phòng đã được trang bị cơ bản đầy đủ các trang thiết bị để xử lý lỗi vi phạm này. Cán bộ, chiến sĩ cũng được tập huấn, nhắc nhở để trong các ca tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn bảo đảm hiệu quả, chính xác, đúng lỗi, đúng người vi phạm.

Tiếp tục xử lý nghiêm

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông tại Việt Nam hiện nay. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khảo sát 18.000 nạn nhân tai nạn giao thông trong bệnh viện các tỉnh phía bắc, thì có tới 36,9% số nạn nhân liên quan đến việc sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông (nam giới chiếm 36,2% và nữ giới là 0,7%).

Thượng tá Hoàng Tiến Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho rằng đây là một trong những lý do để lực lượng cảnh sát giao thông kiên quyết xử lý lỗi vi phạm này trong thời gian tới. Năm 2017, đơn vị đã tổ chức 7 đợt cao điểm, xử lý vi phạm chuyên đề theo chỉ đạo của Cục Cảnh sát giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh và Công an tỉnh. Trong đó, có nhiều chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn. Năm 2017, các lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, xử phạt 3,7 tỷ đồng.

“Mức xử phạt nặng đã nâng cao tính răn đe đối với người vi phạm. Tuy nhiên, chúng tôi xác định xử phạt chỉ là biện pháp cuối cùng. Tuyên truyền, vận động của cơ quan chức năng để người điều khiển phương tiện giao thông nói không với rượu bia, chất kích thích là biện pháp hết sức quan trọng. Hơn ai hết, các thành viên trong gia đình cần nhắc nhở người thân của mình đã uống rượu bia thì không lái xe. Cùng với đó, người điều khiển phương tiện cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không sử dụng rượu bia trước khi lái xe để bảo đảm an toàn đối với cộng đồng và cho bản thân khi Tết đến, xuân về”, thượng tá Hoàng Tiến Nam nhấn mạnh.

CẨM LINH

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, các mức phạt liên quan đến hành vi lái xe khi đã uống rượu bia như sau:

Với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự:

- Phạt từ 2 - 3 triệu đồng với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

- Phạt từ 7 - 8 triệu đồng với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở. Tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng.

- Phạt từ 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Tước giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng.

(0) Bình luận
Mạnh tay xử lý “ma men” sau vô lăng