Làng tôi xưa kia các cụ trồng nhiều cây gạo. Cây bến sông, cây cửa đình cửa chùa, cây ngã ba ngã bảy. Qua nhiều đời, tự nhiên trở thành tên gọi: Chợ cây gạo, quán nước gốc gạo...
Làng tôi xưa kia các cụ trồng nhiều cây gạo. Cây bến sông, cây cửa đình cửa chùa, cây ngã ba ngã bảy. Qua nhiều đời, tự nhiên trở thành tên gọi: Chợ cây gạo, quán nước gốc gạo... Ngay đến con đường bê tông vừa làm cũng mang tên đường Ba cây gạo. Năm nào cây gạo cũng mang đến một mùa hoa. Hoa gạo đỏ chói không gian, khiến làng quê duyên dáng khi xuân về. Dưới bầu trời ngập tràn sắc đỏ, hội làng mở ra. Đèn chăng hoa kết, cờ quạt rợp trời. Đó là mùa tế thần tế thánh. Tiếng trống hội làng thúc giục lòng người. Dường như hoa cũng biết ghen hờn, cố ganh đua để đẹp bằng người, thắm bằng người. Hoa nở ven sông, sân đình. Hoa nở trên gò trên đống. Không còn ngậm ý giấu tình. Đi dưới bóng hoa gạo, má ai, môi ai cũng hồng hào, là lạ như người xứ nào, nhìn nhau ngây ngất. Người làng tôi nhìn hoa gạo nở nhớ mùa gieo lạc gieo vừng. Ông trùm gánh chèo nhìn hoa gạo nở nhớ lời hò hẹn của xứ Đoài xứ Bắc. Những chàng trai cô gái nhìn hoa gạo nở chạnh lòng nuối tiếc mùa cưới sắp qua.
Cây gạo lúc nhỏ khắp mình mọc đầy gai nhọn. Lớn lên, những cái gai ấy giãn ra, cùn đi, trở thành những cái "vung" nhỏ úp vào thân cây. Ngày nhỏ, lũ trẻ chúng tôi leo tít lên cao, cậy cái "vung" đẹp nhất, chuẩn nhất về khoét miệng sáo. Những buổi chiều lộng gió, nhiều cánh diều giấy cõng trên lưng cái sáo kêu u u. Trầm đến nao lòng. Càng sống lâu cây càng sung sức. Cành ngang cành dọc sần sùi và gân guốc, như những cánh tay khổng lồ nâng cái ô màu đỏ vĩ đại. Cây tỏa bóng mát, lá gạo thưa, xòe ra như bàn tay đan khít vào nhau, che bớt cái nắng. Một cơn gió thoảng cũng làm những cái lá lật đi lật lại một cách đa tình. Lá gạo không vi vu như thông, không ù ù như đa, mà lách cách khiêm tốn như bộ gõ trong dàn hợp xướng.
Dưới bóng cây gạo là xóm làng, là lũy tre, là cổng làng cổ kính rêu phong, là nơi hội tụ của mọi niềm vui và cả nỗi buồn. Cây gạo như một nhân chứng của làng. Từ những năm đói khổ của người dân nô lệ đến những bước chân rùng rùng báo hiệu sự đổi đời của làng, của nước năm1945. Từ cuộc kháng chiến 9 năm đến ngày giang sơn thu về một mối. Thăng trầm đủ cả. Gốc gạo thành nơi gặp gỡ của những giọt nước mắt chia tay. Người ra đi mang theo tất cả, cả những chùm hoa gạo đỏ vào trận chiến. Để rồi khi trăng lên trăng lặn, khi chiều qua đêm xuống thấy bâng khuâng nỗi nhớ quê hương. Cồn cào và thổn thức.
Mỗi cây mỗi dáng riêng biệt. Trầm mặc mà mơ màng. Mạnh mẽ mà duyên dáng. Khi quả gạo già bung ra, ném vào không trung ngàn ngàn sợi bông trắng nhỏ xíu. Bông vương trên tóc. Bông đậu trên vai. Ngỡ ngàng đến ngẩn ngơ. Khắp làng có sợi bông bay, như tuyết rơi, như xứ mộng. Xung quanh là cuộc đời. Đời và mộng đan xen ngay trên mảnh đất làng tôi. Khối bà mẹ trẻ làm những chiếc gối cong cong hình trăng liềm, bên trong nhồi bông gạo. Như muốn gói cả gió, cả trăng và cả tiếng chim vào giấc ngủ bé yêu.
Yêu biết bao nhiêu mùa hoa gạo đỏ như trái tim Đan Kô rực cháy giữa trời. Yêu biết chừng nào những con người thuần hậu kiên trung. Như tấm lòng người xưa để lại. Đi dưới bóng hoa gạo nở, tựa vào gốc gạo sần sùi, tưởng như được ngả vào vòng tay ấm áp chở che của cha ông.
Tản văn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN