Đây là chuyến bay đầu tiên từ thủ đô của Yemen đến Saudi Arabia kể từ năm 2016, khi sân bay quốc tế Sanaa bị phong tỏa bởi liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu chống lại lực lượng Houthi ở Sanaa.
Du khách Yemen từ các khu vực do Houthi kiểm soát đến Sân bay Sanaa bay thẳng đến Saudi Arabia để hành hương, ngày 17.6
Ngày 17.6, chuyến bay thương mại đầu tiên sau 7 năm từ thủ đô Sanaa của Yemen đến Saudi Arabia đã cất cánh đưa những người hành hương Hajj đến thánh địa linh thiêng nhất của đạo Hồi.
Đây được xem là dấu hiệu khả quan cho thấy cuộc xung đột dai dẳng nhiều năm trời tại Yemen đang giảm leo thang căng thẳng.
Yemen chìm sâu vào cuộc xung đột dai dẳng sau khi phiến quân Houthi giành quyền kiểm soát một số thành phố phía Bắc và đánh bật Chính phủ Yemen ra khỏi thủ đô Sanaa hồi năm 2014.
Cuộc xung đột đã đẩy quốc gia nghèo nhất thế giới Arab vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, trong đó có nạn đói trên diện rộng.
Trao đổi với báo giới, một quan chức cho biết một máy bay của Yemenia Airways chở 277 hành khách đã khởi hành vào khoảng 20 giờ 00 ngày 17.6.
Đây là chuyến bay đầu tiên từ thủ đô của Yemen đến Saudi Arabia kể từ năm 2016, khi sân bay quốc tế Sanaa bị phong tỏa bởi liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm chống lại lực lượng nổi dậy Houthi đang giành quyền kiểm soát thủ đô Sanaa.
Dự kiến, hai chuyến bay khác tương tự cũng sẽ được triển khai trong ngày 19.6 và 20.6 tới.
Bộ trưởng Lao động của lực lượng Houthi, Ghaleb Mutlaq, cho biết họ sẽ cần khoảng 200 chuyến bay được thực hiện nhằm phục vụ 24.000 người có nhu cầu di chuyển.
Bộ trưởng phụ trách các lễ Hajj và Umrah của Houthi, Najeeb Al-Aji cho biết động thái trên được xem là một cử chỉ thiện chí, nhằm tạo điều kiện cho các sân bay - đặc biệt là Sanaa - có thể mở cửa trở lại và phục vụ các hành khách người Yemen.
Giao thông hàng không tại Yemen phần lớn bị đình trệ do lệnh phong tỏa vào tháng 8.2016, nhưng đã có những trường hợp ngoại lệ cho các chuyến bay viện trợ.
Trong bối cảnh cuộc hành hương linh thiêng nhất Hajj của đạo Hồi sắp diễn ra tại Thánh địa Mecca, Saudi Arabia, hàng nghìn người hành hương từ các khu vực do lực lượng Houthi kiểm soát đã di chuyển bằng xe buýt đến Saudi Arabia, hoặc đến thành phố Aden do Chính phủ Yemen kiểm soát, để có thể bay sang quốc gia láng giềng.
Tình hình thực tế cho thấy giao tranh ở Yemen đã giảm mạnh sau khi thỏa thuận ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian có hiệu lực vào tháng 4.2022 và các hành động thù địch toàn diện cũng không tiếp diễn kể cả khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực vào tháng 10.2022.
Trong số các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn này có việc nối lại các chuyến bay quốc tế từ thủ đô Sanaa, theo đó chuyến bay thương mại đầu tiên sau 6 năm đã cất cánh tới thủ đô Amman của Jordan vào tháng 5.2022.
Các nỗ lực hòa bình đã tăng tốc kể từ tháng Ba vừa qua khi Saudi Arabia tìm cách xoa dịu những bất ổn khu vực khi tuyên bố nối lại quan hệ với Iran.
Quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia từng bị gián đoạn vào năm 2016, sau khi xảy ra vụ người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia tại nước này, liên quan việc Riyadh tử hình Giáo sỹ Hồi giáo dòng Shi'ite Nimr al-Nimr. Quan hệ giữa hai nước cũng xấu đi do bất đồng liên quan đến xung đột tại Syria và Yemen.
Hồi đầu tháng, Iran đã mở lại đại sứ quán của mình tại thủ đô Riyadh của Saudi Arbia. Gần đây nhất, Ngoại trưởng Saudi Arabia cũng có chuyến thăm thủ đô Tehran và hội đàm với người đồng cấp Iran. Hai bên cũng tiến hành trao đổi tù nhân hồi tháng 4 như một biện pháp xây dựng lòng tin.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán của Saudi Arabia và lực lượng Houthi vẫn chưa đạt nhất trí chung về một thỏa thuận ngừng bắn mới. Đại sứ của Saudi Arabia Mohammed al-Jaber nhấn mạnh cả 2 bên đều nghiêm túc về quá trình này, song vẫn chưa rõ các bước tiếp theo sẽ ra sao.
Phát biểu tại một diễn đàn ở La Haye trong tuần qua, đặc phái viên của Liên hợp quốc Hans Grundberg cho biết chặng đường tiến tới hòa bình tại khu vực này "vẫn còn dài và khó khăn"./.
Theo TTXVN