Công ty đầu mối xăng dầu Xuyên Việt Oil liên quan ông Lê Đức Thọ bị khởi tố, bắt tạm giam có hoạt động kinh doanh thua lỗ, bết bát.
Theo thông tin từ Bộ Công an ngày 14/12, ông Lê Đức Thọ bị khởi tố, bắt tạm giam trong quá trình Cơ quan an ninh điều tra thụ lý, điều tra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Ông Lê Đức Thọ sinh năm 1970 bị điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" quy định tại điều 358 Bộ luật Hình sự. Trước đó, hồi đầu tháng 10, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Đáng chú ý, từ đầu tháng 9, Cơ quan an ninh điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam với lãnh đạo của Công ty Xuyên Việt Oil về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2005 tại TP Hồ Chí Minh và được cấp phép làm thương nhân đầu mối xăng dầu hai lần vào năm 2016 và 2021.
Tháng 8/2023, công ty bị Bộ Công thương thu hồi giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu sau khi lập đoàn kiểm tra đột xuất với một số doanh nghiệp. Sau đó Bộ Công thương đã thu hồi giấy phép, đề nghị rà soát, xử lý số dư quỹ bình ổn.
Không chỉ vậy, Xuyên Việt Oil liên tục nằm trong đối tượng thanh, kiểm tra của Bộ Công thương và đã bị xử lý, xử phạt vi phạm.
Trong đó, đầu năm 2022, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện thanh tra với 33 doanh nghiệp đầu mối, trong đó có Xuyên Việt Oil.
Qua thanh tra đã phát hiện tồn tại, vi phạm và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 390 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng từ ngày 10/8/2022 đến 13/9/2022.
Từ năm 2016, Xuyên Việt Oil được cấp phép kinh doanh xăng dầu nhưng tình hình tài chính kinh doanh bết bát. Ghi nhận từ năm 2017 đến 2022, năm nào Xuyên Việt Oil cũng báo lỗ dù doanh thu rất lớn.
Trong đó, năm 2017, doanh thu thuần đạt 4.800 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 210 tỉ đồng. Các năm sau đó, doanh thu tăng vọt lên mức chục nghìn tỉ đồng nhưng vẫn lỗ.
Doanh thu cao nhất đầu mối xăng dầu này đạt được năm 2021 với hơn 19.300 tỉ đồng, tăng gấp đôi năm trước. Tuy vậy, lỗ sau thuế 720 tỉ đồng, giảm gần 25% so với năm 2020.
Năm 2022, Xuyên Việt Oil đạt doanh thu gần 11.900 tỉ đồng, giảm 38% và lỗ sau thuế gần 800 tỉ đồng, tăng 11% so với năm trước.
Bảng kết quả kinh doanh cho thấy giá vốn hàng bán là vấn đề. Từ năm 2017 đến 2021, công ty này đều kinh doanh dưới giá vốn.
Đến năm 2022, giá vốn hàng bán chỉ còn chiếm 97%, bắt đầu có lãi gộp trở lại với hơn 310 tỉ đồng.
Tuy nhiên, chi phí tài chính đội lên gấp đôi cùng kỳ, đạt 1.670 tỉ đồng. Vì vậy, dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm, doanh nghiệp vẫn báo lỗ tăng lên.
Cuối năm 2022, công ty ghi nhận lỗ lũy kế 3.532 tỉ đồng, tăng gần 30%.
Bên cạnh những biến động trồi sụt của tình hình kinh doanh là sự dao động rất lớn về tổng tài sản doanh nghiệp này. Cuối năm 2022, tổng tài sản của Xuyên Việt Oil là 8.482 tỉ đồng, "bốc hơi" 30% so với cuối năm 2021.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả giảm từ 12.888 tỉ đồng cuối năm 2021 còn 9.015 tỉ đồng cuối năm 2022. Dù vậy, chi phí tài chính năm 2022 vẫn gần gấp đôi năm trước.
Thua lỗ kéo dài, vốn chủ sở hữu âm, tổng tài sản giảm, khả năng thanh toán và trả nợ đặt ra với Xuyên Việt Oil. Chưa kể, tính đến hết ngày 30/6/2023, Xuyên Việt Oil nợ 1.531 tỉ đồng tiền thuế.
Theo tra cứu của phóng viên, vài năm gần đây Xuyên Việt Oil có phát sinh một số hợp đồng tín dụng với các ngân hàng như BIDV (2.000 tỉ), VietinBank (thế chấp xe Rolls - Royce) và SHB (thế chấp cổ phần vay 220 tỉ)...
Theo Tuổi trẻ