Nhà thơ Xuân Quỳnh viết bài thơ "Thư gửi bố ngoài đảo" thể hiện tình cảm yêu quý, nhớ thương của người bạn nhỏ về bố của mình đã không quản ngại khó khăn, hy sinh bảo vệ biển đảo và sự bình yên cho đất nước.
Thư gửi bố ngoài đảo Bây giờ sắp Tết rồi XUÂN QUỲNH |
Biển đảo đất nước Việt Nam ta vô cùng rộng lớn và tươi đẹp. Để giữ vững sự bình yên biển trời và những hòn đảo xa xôi, những người lính hải quân phải xa nhà, xa đất liền, ngày đêm thao thức làm thành “hàng rào biển”, canh giữ biên cương Tổ quốc. Nhà thơ Xuân Quỳnh viết bài thơ "Thư gửi bố ngoài đảo" thể hiện tình cảm yêu quý, nhớ thương của người bạn nhỏ về bố của mình đã không quản ngại khó khăn, hy sinh bảo vệ biển đảo và sự bình yên cho đất nước.
Tác phẩm mở đầu bằng việc giới thiệu hình ảnh người bạn nhỏ ngồi viết thư cho bố vào dịp Tết sắp về. Có lẽ biết bố năm nay phải ăn Tết ngoài đảo cùng đồng đội, bạn nhỏ nhớ thương bố rất nhiều, muốn gửi tình cảm của mình đến với bố và các chú bộ đội ngoài đảo xa. Vì vậy, hai câu thơ đầu tiên chỉ kể lại sự việc nhưng đọc lên thật bồi hồi, xúc động: "Bây giờ sắp Tết rồi/ Con viết thư gửi bố (…)".
Thế bạn nhỏ đã viết thư gửi bố những nội dung gì? Hãy lần theo bài thơ của tác giả Xuân Quỳnh, chúng ta nhẹ nhàng mở cánh thư để đọc và cảm nhận những tình cảm đó nhé!
Qua thư, bằng tình cảm yêu thương bố và đồng đội của bố ngoài đảo xa, bạn nhỏ cũng lo bố thiếu bánh chưng để ăn trong những ngày Tết. Thật là hiếu thảo, bạn nhỏ đã biết quan tâm đến sinh hoạt hằng ngày của bố, biết lo lắng về những thiếu thốn ngoài đảo. Nhưng thật bất tiện, cái bánh chưng thì to quá, hòm thư lại nhỏ, biết làm sao bây giờ? Một chút phân vân, do dự thật đáng yêu và ngây thơ qua cách kể hồn nhiên và hóm hỉnh của tác giả: "Tết con muốn gửi bố/ Cái bánh chưng cho vui/ Nhưng bánh thì to quá/ Mà hòm thư nhỏ thôi".
Không thể gửi bánh chưng vào hòm thư, hoa tươi gửi ra đảo xa chắc là sẽ héo, bạn nhỏ quyết định gửi thư cho bố vậy. Chắc là bố bằng lòng chứ? Hỏi bố vậy thôi, nhưng thực ra bạn nhỏ đã nêu lý do cả rồi. Bạn nhỏ thật khéo léo, dễ thương nên làm sao bố và các chú hải quân giận được: "Gửi hoa lại sợ héo/ Đường ra đảo xa xôi/ Con viết thư gửi vậy/ Hẳn bố bằng lòng thôi".
Có lẽ từ sự tưởng tượng và phỏng đoán của mình, bạn nhỏ hỏi bố về điều kiện sống ngoài đảo: chắc nhiều gió, chắc nhiều sóng? Hỏi bố vậy, nhưng bạn nhỏ đã “chắc” lắm rồi. Đảo to lớn thế, lại ở giữa biển trời, gió thổi bốn bề, biết lấy gì mà che chắn hết được? Đọc đến đây, ta thấy hình như mắt bạn nhỏ cũng đỏ hoe vì thương bố, thương các chú hải quân chịu nhiều vất vả, thiếu thốn. Nhưng bạn nhỏ cũng mừng cho bố vì lúc nào cũng được nghe sóng vỗ rì rầm, đâu giống ở đất liền phải đi ra đến tận biển. Chính sự hồn nhiên ấy của bạn nhỏ đã giúp Xuân Quỳnh có những câu thơ thật tự nhiên và dễ thương: "Ngoài ấy chắc nhiều gió/ Đảo không có gì che/ Ngoài ấy chắc nhiều sóng/ Bố lúc nào cũng nghe".
Tác giả khép lại bài thơ bằng lời nhận định của bà về bố, về các chú hải quân. Bố chính là “hàng rào biển”, cùng bạn của bố bảo vệ và giữ gìn biển trời Tổ quốc. Tuy vất vả, khó nhọc, nhưng những người lính như bố luôn được mọi người yêu quý, tự hào: "Bà bảo: hàng rào biển/ Là bố đấy, bố ơi/ Cùng các chú bạn bố/ Giữ đảo và giữ trời".
"Thư gửi bố ngoài đảo" là lời tâm sự của bạn nhỏ với người bố của mình trong những ngày sắp Tết. Lòng hiếu thảo, niềm nhớ thương và tự hào về bố là tình cảm thật đáng yêu, đáng quý được thể hiện qua bài thơ. Mỗi bạn nhỏ đều có bố của mình, dù bố làm nghề gì, miễn có ích cho xã hội cũng đều được trân trọng và biết ơn.
LÊ THÀNH VĂN