Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy 5 tháng vừa qua, xuất khẩu thu về khoảng 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng.
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 5 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Trong tháng 5/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy trong tháng 5, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 32,81 tỷ USD, mặc dù chỉ tăng 5,7% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng tới 15,8%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nổi bật là trong 5 tháng vừa qua, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Cụ thể, nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,18 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,68% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: càphê tăng 43,9%; gạo tăng 38,2%; chè các loại tăng 20,1%; rau quả tăng 28,2%; nhân điều tăng 19,3%; hạt tiêu tăng 19,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 19,2%...
Đối với ngành hàng rau quả, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, các thị trường chủ lực trong 5 tháng vừa qua đều có sự tăng trưởng tích cực, trong đó Trung Quốc dẫn đầu, tiếp đến là Hàn Quốc...
“Tình hình xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng, đặc biệt là sầu riêng, dưa hấu, xoài,” ông Bình thông tin.
Cũng trong 5 tháng, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo thu về khoảng 132,42 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023. Bộ Công thương cho hay nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao. Đơn cử xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 61,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,4%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,5%; sắt thép các loại tăng 10,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 11,8%; hàng dệt và may mặc tăng 6,3%; giầy dép các loại tăng 7,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,6%...
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 1,96 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2024, thống kê cho thấy hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số.
Dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ, với kim ngạch ước đạt 43,98 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 22,65 tỷ USD, tăng 10,2%; thị trường EU ước đạt 20,69 tỷ USD, tăng 16,1%; Hàn Quốc ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%; Nhật Bản ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 4,7%.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 5/2024 ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (tăng 5,7%) cho thấy những dấu hiệu tích cực phục hồi của nền kinh tế trong nước. Lũy kế 5 tháng, cả nước chi khoảng 148,76 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Bộ Công thương cho biết trong tháng 5, do tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu cao hơn nhiều so với tốc độ trưởng trưởng của xuất khẩu nên cán cân thương mại tháng 5 ước tính nhập siêu 1,0 tỷ USD. Như vậy, tháng 5 là tháng đầu tiên Việt Nam nhập siêu sau gần 2 năm duy trì tốc độ xuất siêu hàng tháng. Tuy nhiên, đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh để phục vụ cho các đơn hàng mới được ký kết.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỷ USD), trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,27 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có nhiều thuận lợi, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác và thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư.
Bên cạnh đó, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu…
Tuy vậy, áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức cao; xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát cộng với rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu, xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác…
Do đó, để giữ vững tăng trưởng theo mục tiêu đề ra từ đầu năm (ở mức khoảng 6%), Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới, đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Đối với ngành hàng nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm gạo, rau quả nói riêng một cách trọng tâm, trọng điểm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sử dụng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu quốc gia... nhằm gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống, khai mở các thị trường ngách và thâm nhập các thị trường mới, tiềm năng.
Các đơn vị tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta đã ký kết, nhất là tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả các vụ kiện phòng vệ thương mại và tranh chấp thương mại quốc tế (nếu phát sinh).
Đối với ngành dệt may, theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dự báo thị trường trong 6 tháng cuối năm, tiêu dùng và thu nhập ở các thị trường lớn như: Mỹ, EU đều có xu hướng tăng, trong khi tồn kho giảm khá mạnh so với 2023, nhưng vẫn còn cao hơn trước dịch COVID-19…
Ông Lê Tiến Trường đề nghị các doanh nghiệp thành viên tính toán để có thể chốt được đơn hàng trong những tháng cuối năm, nhất là với thị trường Mỹ, EU; tích cực truyền thông về xuất xứ minh bạch của hàng dệt may từ Việt Nam… Đặc biệt, doanh nghiệp cần luôn chủ động, quyết liệt đảm bảo các yếu tố trọng yếu trong quản lý năng suất, quản lý giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu khách hàng, thị trường.
TB (theo Vietnam+)