Việc tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là một trong những yếu tố quan trọng, là động lực góp phần hiện thực hoá mục tiêu xuất khẩu năm 2022.
Hoạt động xuất - nhập khẩu năm 2022 được dự báo có nhiều khởi sắc khi nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới gia tăng. Nhiều nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Việc tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là những FTA thế hệ mới là một trong những yếu tố quan trọng, là động lực góp phần hiện thực hoá mục tiêu xuất khẩu trên 356 tỷ USD.
Lợi thế cạnh tranh từ các FTA
Bộ Công Thương xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022 là tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực. Trong đó, tập trung tận dụng các cơ hội của các FTA quan trọng như EVFTA, CPTPP, RCEP… để đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu, phát triển xuất khẩu sang các khu vực thị trường và mặt hàng xuất khẩu mới cũng như ứng dụng xuất khẩu thông qua các nền tảng số.
Việt Nam tập trung tận dụng các cơ hội của các FTA để đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu
Khẳng định tính khả thi trong công tác xuất khẩu, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, năm 2022, các FTA đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã qua gia đoạn thực thi ban đầu, DN đã dần thích nghi với các cam kết của FTA cùng với lộ trình thuế nhập khẩu của các đối tác tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Điều này tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường, đối tác với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh.
“Giá hàng hóa xuất khẩu có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh EVFTA, CPTPP, UKVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 được kỳ vọng sẽ tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm 2022”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Làm rõ hơn về việc tận dụng hiệu quả của các FTA thế hệ mới trong hoạt động xuất nhập khẩu, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, RCEP là FTA lớn nhất thế giới, quy mô 2,3 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.
“Lợi ích lớn nhất của RCEP mang lại là đưa bộ quy tắc xuất xứ duy nhất cho toàn bộ ASEAN và 4 nước đối tác khác. Như vậy, DN sử dụng 1 bộ quy tắc xuất xứ của RCEP thay vì sử dụng quy tắc xuất xứ của các hiệp định khác nhau. Điều này tạo thuận lợi cho DN không phải hiểu nhiều các quy định khác nhau trong xuất xứ của các hiệp định”, bà Mai phân tích.
Nhận thấy một trong những yếu tố nổi bật giúp nhiều DN đứng vững và vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 chính là những ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam tham gia, ông Hà Phước Lộc, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su Đà Nẵng (DRC) đánh giá, các FTA mang lại những cơ hội xuất khẩu lớn cho DN, đồng thời cũng là ưu thế cạnh tranh lớn của DN Việt trên sân chơi chung toàn cầu.
Chuyển dịch xuất khẩu từ lượng sang chất
Đặt nhiều kỳ vọng vào các FTA trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định bày tỏ mong muốn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng DN ngành gỗ có đủ thời gian thích nghi, tuân thủ tất cả các quy định, yêu cầu theo lộ trình thực hiện cam kết trong các FTA, đặc biệt là Hiệp định EVFTA.
“Trong năm 2022, DN ngành gỗ vẫn đứng trước nhiều khó khăn như thiếu tàu vận tải biển dẫn tới chi phí logistics tăng, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng. Để duy trì sản xuất, tăng trưởng, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ sở hạ tầng cảng biển, cắt giảm các loại phí trong lĩnh vực hàng hải, tăng lượng container và tàu biển nhằm hỗ trợ giảm giá cước vận tải biển các tuyến Hoa Kỳ, Anh, EU...”, ông Thiện mong muốn.
Để tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA trong quá trình khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, Chính phủ, Bộ, ngành đã nỗ lực ký kết các FTA, mở ra cơ hội về mặt thuế quan cho DN khi xuất khẩu. “Điều kiện cần là sự nỗ lực của các DN trong việc tự đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, từ đó tận dụng ưu đãi từ các FTA”, bà Trang chỉ rõ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, để thúc đẩy xuất khẩu năm 2022, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, xuất khẩu, giảm chi phí logistics. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai các phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu, thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.
Đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa nhanh, xuất siêu bền vững, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, mấu chốt là cần chuyển từ tăng trưởng xuất khẩu về lượng sang chất. Để đạt được mục tiêu này, cần phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt các FTA, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN.
Theo VOV