Theo Cục Cảnh sát giao thông, trong 3 tháng thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự giao thông, cả nước đã xảy ra 2.595 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.406 người, bị thương 1.828 người.
Một trường hợp đi xe máy lên đường cao tốc vành đai 3 trên cao bị lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý
Theo Cục Cảnh sát giao thông, sau 3 tháng thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông (từ 20.6 đến 20.9), lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý trên 788.600 trường hợp, phạt tiền gần 1.400 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn 134.000 trường hợp; tạm giữ 189.000 phương tiện các loại.
Trong số đó, trên đường bộ xử lý 773.400 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1.300 tỷ đồng; tước 133.800 giấy phép lái xe; tạm giữ 189.000 phương tiện các loại. Trên đường thủy xử lý hơn 15.000 trường hợp, phạt tiền gần 30 tỷ đồng; tạm giữ 35 phương tiện; tước bằng, chứng chỉ chuyên môn 192 trường hợp.
Đối với chuyên đề xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn, đã xử lý gần 110.800n trường hợp (trong đó xe tải 624 trường hợp; xe con 6.641 trường hợp; xe khách 83 trường hợp; xe môtô 103.000 trường hợp…); phạt tiền hơn 500 tỷ đồng; tạm giữ 110,8 nghìn phương tiện; tước giấy phép lái xe hơn 69.000 trường hợp.
So với cùng thời gian trước liền kề, xử phạt tăng 47.300 trường hợp, tiền phạt tăng hơn 200 tỷ đồng.
Một số công an địa phương có kết quả xử lý cao như Thành phố Hồ Chí Minh 15.800 trường hợp, Hà Nội 7.300 trường hợp, Hải Phòng 5.600 trường hợp…
Đối với chuyên đề xử lý phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ, đã xử lý 47.200 trường hợp; phạt tiền hơn 260 tỷ đồng; tạm giữ 1.164 phương tiện; tước giấy phép lái xe 24.500 trường hợp.
Lực lượng chức năng yêu cầu tháo, cắt thùng xe gần 9.000 trường hợp; hạ tải gần 15.400 trường hợp. So với cùng thời gian trước liền kề, xử phạt tăng trên 27.000 trường hợp, tiền phạt tăng hơn 100 tỷ đồng.
Một số công an địa phương có kết quả xử lý cao như Thanh Hóa 3.272 trường hợp; Hà Nội 3.233 trường hợp, Nghệ An 1.773 trường hợp, Thành phố Hồ Chí Minh 1.771 trường hợp…
Xử lý vi phạm về tốc độ trên đường bộ, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 112.300 trường hợp, phạt tiền gần 200 tỷ đồng, tạm giữ 3.372 phương tiện, tước giấy phép lái xe gần 26.400 trường hợp.
So với cùng thời gian trước liền kề, xử phạt tăng 26.600 trường hợp, tiền phạt tăng gần 50 tỷ đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương xử lý vi phạm tốc độ nhiều nhất với 12.900 trường hợp, Đồng Nai xử lý 5.141 trường hợp, Quảng Ninh 5.085 trường hợp…
Trên đường thủy nội địa, lực lượng chức năng đã xử lý 11.200 trường hợp vi phạm chở quá vạch mớn nước an toàn; 402 trường hợp không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị an toàn kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy; 55 trường hợp cảng, bến thủy nội địa hoạt động không phép; 985 trường hợp vi phạm về đăng ký, đăng kiểm.
Trong số này, Tiền Giang xử lý 1.929 trường hợp, An Giang xử lý 1.893 trường hợp, Cần Thơ xử lý 1.210 trường hợp vi phạm chở quá vạch mớn nước an toàn.
Cũng theo Cục Cảnh sát giao thông, trong 3 tháng thực hiện cao điểm, đã xảy ra 2.595 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.406 người, bị thương 1.828 người. So với thời gian trước liền kề, giảm 360 vụ, giảm 239 người chết, giảm 148 người bị thương.
Việc thực hiện cao điểm đã tạo được chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; được nhiều ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân đồng tình ủng hộ, cùng vào cuộc hỗ trợ lực lượng công an.
Tình trạng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thùng xe cơ bản đã được kiểm soát, có địa phương không còn tình trạng xe cơi nới thành thùng hoạt động.
Thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục duy trì và triển khai quyết liệt các giải pháp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là xe chở quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thùng xe.
Lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công an về xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, dương tính chất ma túy; xử lý xe quá tải… đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xác định lấy người dân làm trọng tâm và là chủ thể của công tác này, mọi hoạt động của cảnh sát giao thông phải bảo đảm các quyền lợi cho người dân, làm cho mọi người dân nhận thức được việc chấp hành đúng các quy định về trật tự, an toàn giao thông.
Thông qua hoạt động nghiệp vụ, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong công tác tổ chức giao thông, các “điểm đen” về tai nạn giao thông để có văn bản kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền khắc phục.
Theo Vietnam+