Khi không may bị nước ngập vào trong khoang lái, cần phải xử lý càng sớm càng tốt, đồng thời kiểm tra ngay các bộ phận trên xe để tránh mất tiền oan.
Những cơn mưa lớn tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc mới đây khiến không ít ô tô "lâm cảnh" ngập nước. Không chỉ có nguy cơ bị thủy kích, hỏng hóc liên quan đến động cơ mà nếu xe di chuyển hoặc dừng đỗ ở vùng ngập sâu có thể khiến nước tràn vào khoang lái gây nên những hỏng hóc âm ỉ về sau.
Kỹ sư ô tô Dương Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Kiên Phong (Hà Nội) cho biết, trong mùa mưa, việc ô tô bị nước lọt vào khoang động cơ, cốp xe, thậm chí vào cả trong khoang lái là không hiếm gặp, đặc biệt là với các dòng xe gầm thấp.
Theo kỹ sư Kiên, có nhiều nguyên nhân khiến nước vào khoang lái như xe vừa đi qua vùng ngập sâu; hệ thống gioăng cửa xe bị nứt, vênh, mất tác dụng; gioăng, keo dán kính lái, kính hậu hoặc các vị trí cửa sổ trời, đèn hậu,... bị hở dẫn tới nước chảy vào bên trong khi trời mưa,...
"Trong mùa mưa ngập như hiện nay, thường gặp và nguy hiểm nhất chính là việc đỗ ô tô ở những khu vực nước sâu vượt qua mép cửa xe. Khi nước rút, nước vẫn ít nhiều bị lọt vào bên trong, ngấm vào sàn xe và các bộ phận nội thất mà nếu không kiểm tra ngay có thể gây nên những hậu quả khá nghiêm trọng", anh Kiên chia sẻ.
Những hậu quả mà vị chuyên gia này nói đến có thể là gây ra ẩm mốc, sinh ra vi khuẩn và mùi cho nội thất, nhiều bộ phận kim loại bị đọng nước sẽ gỉ sét, cứng kẹt; hệ thống điện và giải trí trên xe bị ảnh hưởng, dễ "tậm tịt" và nặng hơn là có thể gây ra những chập cháy không đáng có,...
Để xử lý khi ô tô không may bị nước vào khoang lái, kỹ sư Dương Trung Kiên đưa ra những lưu ý như sau:
- Lột và làm khô toàn bộ thảm sàn: Khi nước vào trong xe ô tô thì sàn xe là nơi sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tùy vào mức độ nước mà bạn sẽ sử dụng các biện pháp vệ sinh sàn xe khác nhau, nhưng đều cần phải lột thảm cũng như trải sàn da (nếu có) và làm sạch chúng ở bên ngoài. Nếu nước vào nhiều, có thể tháo cả ghế ngồi để việc vệ sinh được dễ dàng.
- Sấy khô sàn xe: Sàn xe ô tô con thường làm bằng chất liệu nỉ kết hợp bông tiêu âm nên rất nhạy cảm với nước, do đó cần được làm khô bằng máy xì khô chuyên dụng. Việc làm khô này đảm bảo rằng nước không bị đọng ở bất cứ vị trí nào trên sàn xe, đồng thời loại bỏ toàn bộ hơi ẩm, mùi, ẩm mốc và vi khuẩn trên sàn.
- Vệ sinh ghế ngồi, tapbi cửa: Nếu ghế ngồi hay ốp cánh cửa (tapbi) dính nước cũng cần được vệ sinh vì nếu không được xử lý sớm cũng gây ẩm, bốc mùi hôi và gỉ sét về sau. Đặc biệt, phía sau tapbi cửa có mô tơ kính cửa,... nếu bị đọng nước có thể gây kẹt, lên xuống khó.
- Kiểm tra, xì khô hệ thống điện: Khi xe ô tô bị nước vào, cần kiểm tra hệ thống điện ở thân xe, đặc biệt là khu vực phía dưới taplo và bên trong ốp cửa. Vì nếu hệ thống điện bị nhiễm nước về lâu dài sẽ rất nguy hiểm, dễ gây chập điện và cháy. Do đó, các loại dây dẫn, giắc nối cần phải kiểm tra và xì khô.
- Quét lỗi các hệ thống điều khiển: Khi đã xử lý nước vào trong ô tô có thể gây lỗi hệ thống điều khiển của xe như điều khiển cánh cửa, gương, đèn chiếu sáng, túi khí, hộp số hay hệ thống màn hình giải trí, loa,... Trên một số dòng xe đời mới, có thể dùng phần mềm để quét lỗi các hệ thống điều khiển và kịp thời xử lý nếu chúng gặp vấn đề. Do đó, không chỉ cần làm sạch, sấy khô khoang nội thất mà còn phải kiểm tra tình trạng hoạt động của những hệ thống trên để hoàn toàn an tâm khi sử dụng xe.
Theo kỹ sư Dương Trung Kiên, trong trường hợp xe bị nước vào ít hoàn toàn có thể tự vệ sinh tại nhà. Nhưng nếu nước ngập sâu, ảnh hưởng đến các bộ phận ghế ngồi hay hệ thống điện, chủ xe nên đưa xế cưng đến gara hoặc trung tâm chăm sóc xe uy tín để được xử lý chuyên nghiệp.
T.H (theo Vietnamnet)