Góc nhìn

Xử lý cán bộ cấp cao có làm mất ổn định chính trị của đất nước?

HOÀNG QUÝ LÊ 02/06/2024 06:00

Lợi dụng công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng ta được đẩy mạnh, các thế lực thù địch rêu rao, đưa ra quan điểm sai trái rằng việc xử lý cán bộ cấp cao làm ảnh hưởng tới sự ổn định chính trị của đất nước.

ub.jpg
Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao do vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước

Gần đây, một số lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật do vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm; sa ngã, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, gây ra những hậu quả khôn lường cho kinh tế - xã hội của đất nước; làm hoen ố danh dự của người đảng viên, làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Không ít người có tư tưởng khác nhau, không hiểu rõ bản chất vấn đề này.

Trước hết, chúng ta cần tỉnh táo nhận thấy các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ, tiến hành các hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, gây hoang mang, bất ổn về chính trị, xã hội, tiến tới mưu toan thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Trong tiến trình phát triển của xã hội nói chung và xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta nói riêng, những người không còn xứng đáng về phẩm chất, đạo đức cách mạng; không vì lợi ích của Đảng và nhân dân đương nhiên sẽ bị loại bỏ hoặc xin rút vì tự thấy không còn xứng đáng. Chỉ những người thực sự vì lợi ích của Đảng, dân tộc và đất nước, vì người dân mới xứng đáng được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tín nhiệm, tin cậy. Vì thế việc bổ sung cho Đảng những đảng viên giữ các cương vị lãnh đạo cao của Đảng, Nhà nước và Quốc hội là cần thiết và phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, với tinh thần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đảng ta luôn luôn đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách. Đại hội XIII của Đảng cũng từng xác định: Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng lớn về chính sách và các chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Không một cá nhân nào được vượt nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Do vậy việc thay đổi, bổ sung các đồng chí lãnh đạo cao cấp là một việc làm bình thường trong công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc “có vào, có ra”, thể hiện tính cách mạng không ngừng, luôn đổi mới của Đảng ta.

Không tránh khỏi những băn khoăn, trăn trở trong tâm trạng của đảng viên, của người dân, của cử tri vì sự kỳ vọng khi bỏ lá phiếu, gửi gắm niềm tin vào những vị cán bộ lãnh đạo có khuyết điểm, vi phạm pháp luật. Nhưng cũng cần nhìn nhận mặt tích cực trong mấy năm gần đây, thực hiện công cuộc chống “giặc nội xâm”, chúng ta đã cương quyết loại bỏ, đưa ra khỏi đội ngũ nhiều cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, có những cán bộ cao cấp, giữ vai trò quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội tự xin thôi chức vì thấy không còn xứng đáng. Việc loại khỏi đội ngũ những cán bộ thoái hóa biến chất như “chặt một cành sâu mọt để cứu cả cây”, “chặt một cây nhiễm bệnh để cứu cả rừng cây” với mục đích duy nhất là để Đảng ta trong sạch hơn, lãnh đạo đất nước tốt hơn, tăng thêm niềm tin của người dân với Đảng cầm quyền.

Có thể khẳng định, tuyệt đại đa số người dân Việt Nam, cán bộ, đảng viên và kiều bào ta ở nước ngoài đặt niềm tin vào quyết tâm chính trị, vào đường lối cách mạng của Đảng. Việc xử lý cán bộ cấp cao, thay đổi cán bộ nhưng không ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của đất nước. Bởi lẽ, đường lối cách mạng của Đảng ta đã được xác định trong cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp của nước ta. Đó là sự công khai, minh bạch, đúng đắn, ổn định, kế thừa qua các giai đoạn cách mạng. Dù có thay đổi một số vị trí cán bộ nhưng nền tảng tư tưởng của Đảng ta vẫn không thay đổi. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp nguyện vọng của nhân dân. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân - bản chất ấy vẫn không thay đổi.

Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo tổ chức thực hiện gần 40 năm qua là sự kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân. Thực tiễn đó khẳng định: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo, không mắc mưu các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị trước những vấn đề quan trọng của đất nước.

HOÀNG QUÝ LÊ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý cán bộ cấp cao có làm mất ổn định chính trị của đất nước?