Xóa đói giảm nghèo: Thành tựu ấn tượng sau 30 năm đổi mới

02/09/2019 12:50

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ vào ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách, trong đó cứu đói là một trong 6 nhiệm vụ hàng đầu.



Người đã nhiều lần nhấn mạnh nhiệm vụ của Nhà nước là phải chăm lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, chỗ ở và được học hành.

Người nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, măc đủ.”

Thực hiện lời căn dặn của Người, giảm nghèo luôn được Đảng và Nhà nước xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững. Giảm nghèo vì thế đã trở thành một chủ trương lớn, một chương trình của quốc gia, giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong suốt 74 năm qua.

Thành tựu ấn tượng

Trong ba thập kỷ vừa qua, xoá đói giảm nghèo luôn là lĩnh vực đạt được nhiều thành công ấn tượng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Cùng với phát triển kinh tế cao là hàng loạt các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, cộng đồng và các tổ chức xã hội quốc tế đã cải thiện đáng kể diện mạo nghèo đói ở tất cả các vùng miền trong cả nước.

Quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói nghèo không chỉ là ý chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương mà đã trở thành suy nghĩ của từng hộ nghèo. Tỷ lệ nghèo trên đầu người (tính theo chi tiêu thu nhập) đã giảm mạnh từ 57% năm 1990 xuống còn 13,5% năm 2014.

Niềm vui được mùa của người trồng lúa. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015).

Nói về thành tựu giảm nghèo của Việt Nam, ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, mặc dù trong năm 2018 cũng như ba năm trở lại đây Việt Nam đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức, về cả về kinh tế, xã hội, thiên tai lũ lụt nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực của toàn xã hội, kết quả giảm nghèo tiếp tục giữ vững.

Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015).


Theo ông Ngô Trường Thi, trong hai năm 2016, 2017, tỷ lệ nghèo bình quân của cả nước đã giảm 1,8%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra từ 1-1,5%. Năm 2018, tốc độ giảm nghèo của Việt Nam được kiểm soát, đặc biệt, đời sống người dân được ổn định, cơ sở hạ tầng tại vùng sâu, vùng xa, vùng cao đã được cải thiện. Thành tựu giảm nghèo đã góp phần trong việc phát triển bền vững của đất nước.

“Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang ngày càng phát triển, nếu không có chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội, thì chắc chắn những đối tượng người nghèo sẽ tụt hậu, hoảng cách chênh lệch giàu, nghèo sẽ ngày càng lớn và tăng áp lực cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước,” ông Ngô Trường Thi khẳng định.

Hàng nghìn hộ sản xuất kinh doanh ở các xã thuộc vùng khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế từ nguồn vay vốn tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 (Ủy ban Dân tộc) cho biết, trong những năm qua, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và đặc biệt sự ủng hộ của người dân nên công tác giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu.

Có rất nhiều điểm sáng, Chương trình 30a có 64 huyện nghèo thì có đến 8 huyện thoát nghèo, 14 huyện hưởng cơ chế chính sách được thoát nghèo. Bộ mặt nông thôn, sinh kế của người dân nơi đây đã được cải thiện…

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam nhận định các chính sách kinh tế và xã hội của Việt Nam đã giúp đạt được những kết quả to lớn trong mục tiêu giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ nghèo của các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm xuống là kết quả rất đáng khích lệ, trong giai đoạn 2014-2016, tỷ lệ nghèo của nhóm này đã giảm tới 13%, giảm mạnh nhất trong một thập niên vừa qua. Những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài.

Giảm nghèo đa chiều để phát triển bền vững

Từ thực tế chất lượng cuộc sống của con người liên quan đến nhiều khía cạnh khác ngoài thu nhập, năm 2014, Quốc hội đã quyết định việc giao Chính phủ xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để thực hiện từ năm 2016.

Việt Nam đã trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh. 


Năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường đa chiều. Theo đó, xác định chuẩn nghèo mới thay thế cho chuẩn nghèo cũ với các tiêu chí thoát nghèo cao hơn. Chuẩn nghèo xác định theo 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Những chỉ tiêu này xác định mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững bởi nguy cơ đói nghèo, tái đói nghèo đều có thể xảy ra trong những biến cố của môi trường thiên nhiên, của quá trình hội nhập và phát triển.

Việt Nam đã trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh. Trong Kế hoạch phát triển Kinh tế Xã hội (2016-2020), Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân cả nước là 1%-1,5%/năm và riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm.

Việc sử dụng chuẩn nghèo quốc gia không những là cần thiết cho việc xây dựng các chính sách, chương trình giảm nghèo và cho công tác giám sát nghèo ở Việt Nam mà còn giúp Việt Nam theo dõi tiến độ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG).

Không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, Đảng, Quốc hội và Nhà nước quyết định thay đổi chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững hơn. Việc hoạch định các chính sách về xóa đói, giảm nghèo cũng đã có những thay đổi rất căn bản để phù hợp với những yêu cầu mới.

Để nâng cao hiệu quả của chính sách, Quốc hội và Chính phủ đã gộp tất cả các chương trình xóa đói, giảm nghèo lại thành một chương trình là “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”. Trong đó bao gồm 5 dự án thành phần là: Chương trình 30a (giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi); Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.

Trồng cây sa nhân đang là hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp của nông dân vùng cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 diễn ra trong bối cảnh mới gắn liền với việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020) và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội (2016-2020), đây là giai đoạn cuối nhằm thực hiện hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm.

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước nhưng nguồn lực của Chương trình ưu tiên đầu tư cho các địa bàn nghèo và khó khăn  để giảm sự cách biệt giữa các vùng miền. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016-2020 là 48.397 tỷ đồng, trong đó 95,7% huy động từ ngân sách Nhà nước.

Cả nước hiện có 64 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo; 310 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; 2.331 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu và 3.509 thôn, bản đặc biệt khó khăn được đầu tư, hỗ trợ theo các cơ chế, chính sách của Chương trình 135 theo Quyết định 551/QĐ-TTg ngày 4.4.2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng trưởng mang tính bao trùm

Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam thực hiện hàng loạt các chương trình, chính sách nhằm hướng tới giảm nghèo đa chiều một cách bền vững. Mặc dù mới chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam được đánh giá là có tính chất toàn diện, tiếp cận đa chiều và đã bao phủ hầu hết các nhu cầu, thiếu hụt của người nghèo, gồm hệ thống chính sách giảm nghèo chung, các chính sách giảm nghèo đặc thù.

Đặc biệt, hầu hết các chính sách trong giai đoạn 2016-2020 không phải là chính sách mới mà đã được duy trì từ giai đoạn trước, với những điều chỉnh phù hợp. Cùng với tăng trưởng kinh tế mang tính bao trùm, những chương trình, chính sách này đã góp phần giúp Việt Nam giảm nghèo ấn tượng.

Việc đạt được những kết quả giảm nghèo ấn tượng là nhờ tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam trong ba thập niên vừa qua được đánh giá là mang tính bao trùm, đại đa số người dân được tham gia vào tăng trưởng và hưởng lợi từ quá trình này.


Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho hay, quốc tế nhìn nhận rất tích cực những thành quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trong vài thập kỷ vừa qua.

Bà Caitlin Wiesen cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam trong sử dụng phương pháp tiếp cận đa chiều để đo lường nghèo đói và giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo một cách toàn diện hơn và ở nhiều khía cạnh hơn không chỉ cải thiện thu nhập.

Việc đạt được những kết quả giảm nghèo ấn tượng là nhờ tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam trong ba thập niên vừa qua được đánh giá là mang tính bao trùm, đại đa số người dân được tham gia vào tăng trưởng và hưởng lợi từ quá trình này.

Một quốc gia nếu không giải quyết dứt điểm xóa đói giảm nghèo thì sẽ ẩn chứa nguy cơ phát triển không bền vững, thậm chí dẫn đến những hậu quả bất ổn định kinh tế-xã hội. Trong giai đoạn tới, để duy trì được các kết quả về giảm nghèo và kiềm chế sự gia tăng của bất bình đẳng, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục củng cố bốn trụ cột chính, gồm: Tạo việc làm có năng suất nhằm tăng thu nhập bền vững cho mọi người lao động; mở rộng diện bao phủ hướng tới phổ cập hóa các dịch vụ xã hội cơ bản; củng cố hệ thống an sinh xã hội cho các nhóm yếu thế để đảm bảo không có ai bị bỏ lại phía sau; lấy sự khác biệt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và địa lý giữa các nhóm dân tộc thiểu số làm trọng tâm để nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp, hiệu quả.

Sau hơn 30 năm đổi mới, từ chỗ là nước thiếu gạo, phải nhập khẩu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Ảnh: TTXVN

HỒNG KIỀU (Vietnam+)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa đói giảm nghèo: Thành tựu ấn tượng sau 30 năm đổi mới