Đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm, theo dõi do tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ba cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh.
Số vũ khí, hung khí nguy hiểm của các đối tượng bị cơ quan công an thu giữ
Ngày 7.9, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm, theo dõi do tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ba cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh.
29 bị cáo trong vụ án này đã bị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội truy tố về tội “giết người” (theo quy định tại Điều 123, khoản 1, điểm a, d, n, o, Bộ luật Hình sự năm 2015) và tội “chống người thi hành công vụ” (theo quy định tại Điều 330, khoản 2, điểm a, Bộ luật Hình sự năm 2015).
Tổng số 33 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo trong vụ án này.
Trong số đó, có 15 luật sư do bị cáo, gia đình bị cáo mời; 18 luật sư còn lại do tòa án chỉ định bào chữa đối với những bị cáo bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “giết người” (có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình), thuộc diện phải có người bào chữa nhưng bị cáo không mời luật sư.
Việc chỉ định luật sư thực hiện theo quy định tại Điều 76,Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (về chỉ định người bào chữa), nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật tố tụng hình sự.
Trong số 29 bị cáo có 25 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội truy tố về tội “giết người”, gồm Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung (đều trú tại thôn Hoành và thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm).
Các bị cáo này bị cáo buộc đã sử dụng bom xăng, lựu đạn, dao bầu... tấn công lực lượng chức năng, đổ xăng thiêu chết ba cán bộ, chiến sỹ công an.
Ngang nhiên thách thức pháp luật
Theo cáo trạng, vụ án xảy ra ngày 9.1 tại Đồng Tâm đã được các bị cáo chuẩn bị kế hoạch tấn công và hung khí từ trước.
Khi biết thông tin Công an TP Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không-Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, Lê Đình Kình (sinh năm 1936, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm) đã cùng với Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Quốc Tiến, Đào Thị Kim, Lê Đình Quang, Bùi Văn Tiến, Lê Đình Uy, Trần Thị La, Lê Thị Loan, Mai Thị Phần, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Lụa và Nguyễn Thị Bét... góp tiền mua 10 quả lựu đạn, mua xăng để làm 85 chai bom xăng, mua khoảng 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo... nhằm tấn công lực lượng chức năng.
Kình còn cùng Công, Hiển, Tuyển tổ chức quay video, ghi hình trực tiếp và đăng tải các video clip trên mạng xã hội, mạng Internet, tuyên bố rằng nếu lực lượng công an đến Đồng Tâm thì sẽ bị “tiêu diệt” từ 300-500 người.
Đầu tháng 1.2020, khi biết lực lượng Công an TP Hà Nội sẽ về xã Đồng Tâm triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch, Kình đã cùng nhiều đối tượng tổ chức họp tại nhà Kình vào các ngày 6-8.1 để chỉ đạo chống đối, sát hại lực lượng công an.
Chiều 8.1, theo chỉ đạo của Kình, Công đã yêu cầu đồng bọn mang các hung khí gồm tuýp sắt có gắn dao bầu, gắn liềm, bom xăng, các bao chứa gạch đá tập trung tại nhà Kình để tấn công lực lượng công an.
Hành vi này của các bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội xác định là phạm tội có tổ chức, có bàn bạc, phân công công việc cụ thể, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng để thực hiện mục tiêu sát hại lực lượng công an.
Thậm chí, các đối tượng còn ngang nhiên tuyên bố sẽ “tiêu diệt” nếu lực lượng công an đến Đồng Tâm, bất chấp hành vi đó là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội và gây mất trật tự an ninh trong khu vực.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu các đối tượng này tổ chức hành vi chống đối lực lượng chức năng. Từ năm 2013, với mục đích thành lập “Tổ đồng thuận” để chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau, Lê Đình Kình đã cùng Lê Đình Công, Nguyễn Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và một số đối tượng thường xuyên lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân khiếu kiện về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm; sử dụng mạng xã hội tuyên truyền rằng đất đồng Sênh là của xã Đồng Tâm; đồng thời kêu gọi người dân xã Đồng Tâm “đấu tranh để giữ đất”.
Trong 3 năm (từ năm 2017 đến đầu năm 2020), Kình đã chỉ đạo “Tổ đồng thuận” và nhiều đối tượng khác liên tiếp gây ra nhiều vụ việc như vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 1.3.2017 và ngày 7.3.2017 tại thôn Hoành; vụ bắt giữ người trái pháp luật, cố ý làm hư hỏng tài sản ngày 15.4.2017 tại thôn Hoành, vụ gây rối ngày 28.6.2018 tại Kỳ họp thứ 8 HĐND xã Đồng Tâm khóa XIX nhiệm kỳ 2016-2021 làm cuộc họp phải dừng lại; vụ gây rối ngày 15.4.2018 tại Nhà văn hóa thôn Hoành khi UBND xã Đồng Tâm tổ chức Chương trình khám bệnh, phát thuốc cho hộ nghèo, hộ khó khăn, người cao tuổi và người khuyết tật; vụ gây rối ngày 3.12.2018 tại hội trường UBND xã Đồng Tâm khi đang diễn ra Hội nghị đại biểu HĐND huyện Mỹ Đức tiếp xúc cử tri; vụ lăng mạ, chửi bới, đe dọa ông Trịnh Văn Hòa (sinh năm 1962; trú tại Xóm 4, thôn Hoành, xã Đồng Tâm) xảy ra ngày 1.4.2018; vụ gây rối ngày 26.11./2019 tại phòng tiếp dân của UBND xã Đồng Tâm.
Tất cả những vụ việc này đều nhằm mục đích gây rối, lôi kéo người dân cùng tham gia khiếu kiện, gây mất trật tự an ninh tại địa phương.
Hành vi tàn bạo
Rạng sáng 9.1, khi lực lượng công an đến chốt ở cổng thôn Hoành, xã Đồng Tâm (cách nhà Kình khoảng 50m) để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra thì Bùi Văn Niên và Lê Đình Quân đánh kẻng báo động.
Các đối tượng dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công lực lượng công an, khiến ba cán bộ, chiến sĩ công an là Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân bị rơi xuống hố ở gần nhà Lê Đình Kình.
Lúc đó, Lê Đình Chức lệnh cho Lê Đình Doanh đổ xăng từ can ra chậu để Chức đổ xuống hố nơi các cán bộ, chiến sĩ công an là Thịnh, Huy, Quân rơi xuống và châm lửa đốt.
Mỗi khi thấy lửa sắp tắt, Chức lại đổ tiếp xăng xuống hố, cứ 3-5 phút thì đổ một lần, làm lửa bùng cháy lớn.
Chức quay sang Nguyễn Quốc Tiến (lúc này đang nằm trên mái nhà gần đó) nói: “Tao đổ xăng chết ba đứa rồi”...
Hậu quả là cả ba cán bộ, chiến sĩ công an bị tử vong do ngạt khí và cháy than hóa toàn thân.
Do thực hiện những hành vi này, các bị cáo bị Viện Kiểm sát truy tố về hành vi “giết người” mang tính chất côn đồ, giết nhiều người và giết người đang thi hành công vụ.
Đây là những tình tiết tăng nặng, thể hiện hành động tàn ác, ra tay thực hiện hành vi một cách dã man, vô nhân đạo, không chút ngần ngại.
Mọi sự chuẩn bị hung khí, thực hiện hành vi phạm tội đều là cố ý, trực tiếp, không những với chủ đích gây ra hậu quả là sát hại lực lượng công an mà còn cố gắng và quyết tâm gây ra hậu quả đó.
Việc Chức liên tục đổ xăng nhằm thiêu cháy ba cán bộ, chiến sĩ công an cho thấy bị cáo ý thức rõ hậu quả hành vi của mình và quyết tâm thực hiện hành vi giết người đến cùng.
Trong vụ án này, Viện Kiểm sát xác định Lê Đình Kình cùng với Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và Nguyễn Quốc Tiến giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, vừa chỉ đạo các bị cáo khác, vừa trực tiếp thực hiện hành vi tội phạm giết người.
Các bị cáo Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Lê Đình Uy là những người tham gia tích cực và trực tiếp thực hiện tội phạm giết người.
Các bị cáo còn lại bị Kình, Công và Hiểu xúi giục, lôi kéo, kích động nên đã tham gia đồng phạm về tội “giết người” với vai trò giúp sức.
Chống người thi hành công vụ có tổ chức
Liên quan đến vụ án, cũng trong sáng 9.1, khi lực lượng công an đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Trường THCS xã Đồng Tâm và khu vực ao cá Bác Hồ ở thôn Hoành thì Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung đã chửi bới, dùng dao, liềm tấn công lực lượng chức năng và bị cơ quan công an bắt giữ.
Hai đối tượng Đào Thị Kim, Trần Thị Phượng rủ nhau đi chống đối, lăng mạ lực lượng công an đang thi hành công vụ, nhặt đá ném và cầm dao chém về phía các chiến sĩ công an.
Sau đó, cả hai bỏ chạy, trốn thoát, đến ngày 11.1, Kim và Phượng đến cơ quan công an đầu thú.
Đào Thị Kim bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “giết người” (thuộc nhóm 25 bị cáo nêu trên).
Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 330, khoản 2, điểm a, Bộ luật Hình sự năm 2015, với tình tiết tăng nặng là thực hiện hành vi có tổ chức, với mức cao nhất của khung hình phạt lên tới 7 năm tù.
Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng có những quy định nghiêm khắc nhằm bảo vệ người thi hành công vụ.
Tùy theo mức độ hành vi vi phạm mà luật pháp các nước có những hình phạt tương xứng, thậm chí nặng hơn mức thông thường, nhất là đối với những đối tượng hành hung, chống người thi hành công vụ, dùng vũ khí chống đối, giết người đang thi hành công vụ...
Tại TP Santa Ana, bang California (Mỹ), ngày 15.7.2018, Braulio Hernandez (30 tuổi) mâu thuẫn với bạn gái cũ trong lúc sử dụng ma túy. Khi lực lượng chức năng tới nơi, Hernandez gây gổ với cảnh sát và cố tóm lấy súng của họ.
Sau một hồi giằng co, Hernandez bị lực lượng cảnh sát bắt giữ, sau đó được cho tại ngoại.
Hai tháng sau, Hernandez tiếp tục gây rối tại nhà bạn gái cũ. Thấy cảnh sát tới, Hernandez chủ động tấn công, chọc vào mắt một cảnh sát khiến người này phải đi cấp cứu.
Tháng 6.2019, Hernandez đã bị tòa án tuyên phạt 17 năm tù về nhiều tội như chống đối bắt giữ, hành hung cảnh sát, dùng vũ khí hành hung cảnh sát...
Dựa trên những tình huống thực tế, luật pháp Việt Nam cũng như nhiều nước đều có hình thức xử lý nghiêm khắc những hành vi chống người thi hành công vụ nhằm tăng cường bảo vệ các nhân viên thực thi pháp luật - những người bằng công sức của mình góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của người dân, mà đôi khi vì thực hiện nhiệm vụ được giao, họ có thể phải đánh đổi cả tính mạng cho sự bình yên đó.
Xét cho cùng, pháp luật là để phục vụ người dân, tạo ra môi trường xã hội an toàn, dân chủ, công bằng, văn minh, để người dân yên tâm sinh sống, lao động, sản xuất.
Không cá nhân hay tổ chức nào có quyền vì lợi ích riêng, lợi ích nhóm mà tùy tiện hành động, ngang nhiên vi phạm quy định pháp luật. Những hành động bất chấp pháp luật, xâm phạm tính mạng, xâm phạm trật tự xã hội... đều cần được trừng trị nghiêm khắc, để cảnh cáo, răn đe, phòng ngừa chung và đảm bảo thượng tôn pháp luật.
Theo TTXVN