Nhà xưởng

Xem xét xây dựng Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương hơn 5.300 ha

NGÂN HẠNH 28/11/2024 15:12

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11 (lần 6), UBND tỉnh Hải Dương xem xét dự thảo đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh với tổng diện tích dự kiến 5.300 ha.

chu-tich-ubnd-tinh.jpg
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu các sở ngành tham gia ý kiến sâu vào dự thảo Đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương

Tại phiên họp UBND tỉnh Hải Dương tháng 11 (lần 6) vào sáng 28/11, UBND tỉnh đã xem xét dự thảo “Đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương”.

Theo dự thảo đề án, Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương nằm ở phía tây tỉnh (phía nam cao tốc Hà Nội - Hải Phòng); ranh giới thuộc hai huyện Bình Giang và Thanh Miện.

Tổng diện tích của khu khoảng 5.300 ha; trong đó diện tích thuộc huyện Bình Giang khoảng 1.933 ha trên địa bàn 8 xã (Tân Hồng, Bình Minh, Thái Học, Nhân Quyền, Cổ Bì, Thái Dương, Thái Hòa, Bình Xuyên); diện tích thuộc huyện Thanh Miện khoảng 3.367 ha, trên địa bàn 10 xã, thị trấn (Thanh Tùng, Phạm Kha, Đoàn Tùng, Hồng Quang, Ngô Quyền, Tân Trào, Đoàn Kết, Lê Hồng, Lam Sơn, thị trấn Thanh Miện).

ubnd-tinh-hai-duong.jpg
UBND tỉnh xem xét dự thảo Đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương

Khu kinh tế chuyên biệt tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng; trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics, đô thị, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Đây sẽ là vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng mới của tỉnh Hải Dương nói riêng, vùng đồng bằng sông Hồng nói chung; nơi đóng góp tỷ trọng lớn về giá trị sản phẩm cho kinh tế tỉnh, nơi triển khai một số mô hình, dự án sản xuất mới. Đồng thời cũng là khu vực trọng điểm ứng dụng khoa học-công nghệ; trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trong tỉnh và vùng.

Định hướng đây là một trung tâm phát triển đô thị dịch vụ hiện đại, phát triển theo mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh, tạo nên một hệ sinh thái đầy đủ, tiện nghi, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững, là nơi đáng sống của tỉnh và vùng.

don-vi-tu-van.jpg
Đơn vị tư vấn báo cáo dự thảo Đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương

Là đầu mối giao thông quan trọng, là cửa ngõ giao lưu trao đổi hàng hóa, kết nối với vùng đồng bằng sông Hồng, với các trung tâm trên vành đai kinh tế và các tuyến vận tải quốc tế thông qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt...

Trong Khu kinh tế chuyên biệt dự kiến hình thành 11 khu công nghiệp, tổng diện tích dự kiến khoảng 2813,67 ha; 4 cụm công nghiệp tổng diện tích khoảng 199,04 ha.

Tổng diện tích khu thương mại dịch vụ, logistics, khu phi thuế quan dự kiến khoảng 230 ha. Khu trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, đào tạo diện tích khoảng 60 ha...

Hệ thống các đô thị trong Khu kinh tế chuyên biệt sẽ có diện tích khoảng 530 ha, gắn với các khu công nghiệp; định hướng phát triển các khu dân cư, đô thị, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời giữ nguyên diện tích khu dân cư hiện trạng trong Khu kinh tế chuyên biệt diện tích khoảng 680 ha.

Tổng nhu cầu nguồn vốn cho việc triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương dự kiến khoảng 338.017 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 6,6%, còn lại là nguồn vốn khác. Giai đoạn 2026-2030 tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 136.142 tỷ đồng, giai đoạn 2031-2035 tổng nhu cầu vốn khoảng 201.875 tỷ đồng.

khu-kinh-te-chuyen-biet.png
Sơ đồ vị trí và các mối liên hệ Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương

Lộ trình xây dựng và phát triển Khu kinh tế chuyên biệt chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn I (2024-2025), tập trung kiện toàn bộ máy quản lý; hoàn thành quy hoạch chung xây dựng và một số quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 đối với các phân khu quan trọng; xúc tiến mạnh việc thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Giai đoạn II (2026 - 2030), tập trung thu hút đầu tư phát triển cho các ngành, lĩnh vực trọng tâm và ưu tiên; hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu chức năng, nhất là hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ, trung tâm đổi mới sáng tạo... Tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; nghiên cứu triển khai một số mô hình, dự án sản xuất mới.

Giai đoạn III (2031 - 2035), tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, hình thành diện mạo của đô thị xanh thông minh, với các dịch vụ chất lượng cao; tiếp tục thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực theo định hướng trong Khu kinh tế chuyên biệt.

Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị cần nghiên cứu thêm các danh mục nhà đầu tư chiến lược thực hiện các hạng mục tại Khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh.

Đánh giá việc xây dựng Đề án Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương là nhiệm vụ lớn, rất phức tạp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở ngành tham gia đóng góp vào dự thảo đề án theo chức năng nhiệm vụ của mình và các nội dung liên quan. Đề nghị xem xét có nên thành lập cụm công nghiệp trong Khu kinh tế chuyên biệt hay không? Làm rõ thêm về các chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư, đề xuất cơ chế đặc thù cho Khu kinh tế chuyên biệt để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Rà soát danh mục các dự án ưu tiên đầu tư để phù hợp với định hướng xây dựng Khu kinh tế chuyên biệt.

Các sở ngành tổng hợp ý kiến về đơn vị tư vấn bổ sung, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, hoàn chỉnh đề án sớm nhất để giữa tháng 12 báo cáo UBND tỉnh xem xét.

Phiên họp UBND tỉnh tháng 11 (lần 6) cũng xem xét các báo cáo đề nghị trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết: về kế hoạch biên chế công chức trong cơ quan hành chính, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc tỉnh năm 2025; về giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh năm 2025; quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh Hải Dương; về chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh năm 2025; về chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp cấp bách các trạm bơm do UBND cấp huyện quản lý trên địa bàn tỉnh Hải Dương và Dự án Đầu tư xây dựng đường ven đê sông Luộc đoạn từ đường tỉnh 396B đến đền Khúc Thừa Dụ. Đồng thời xem xét Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Kinh Môn đến năm 2040 (điều chỉnh lần 2); Đồ án Điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Thanh Miện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2).

NGÂN HẠNH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xem xét xây dựng Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương hơn 5.300 ha