Người giữ hồn rối nước Thanh Hải

29/09/2019 16:10

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hùng Ninh bây giờ không còn nghe thấy âm thanh nhưng sự tinh anh thì khó có người theo kịp.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hùng Ninh được xem là đệ nhất “bắt bệnh” cho các con trò của phường rối nước Thanh Hải

Bằng đôi mắt tinh tường và đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt, ông được xem là đệ nhất “bắt bệnh” cho các con trò của phường rối nước Thanh Hải (Thanh Hà).

Bậc lão làng

Năm 2010, sau một lần đột quỵ, đôi tai của nghệ nhân Phạm Hùng Ninh bị ảnh hưởng nặng, đến nay ông không còn nghe được nữa. Nhưng không phải vì thế mà cuộc nói chuyện giữa chúng tôi gián đoạn, sự tinh anh vẫn hiện rõ trong thần thái của nghệ nhân này.

Mỗi lần tôi viết câu hỏi lên giấy, mắt ông lại ánh lên niềm vui, bởi nó khiến ông nhớ đến một thời làm nghề sôi nổi, giữ phường rối nước hoạt động tích cực như hôm nay.

Sinh năm 1945, như khá nhiều nghệ nhân rối nước ở Thanh Hải đa phần là con nhà nòi, ông Ninh có cha là cụ Phạm Khắc Khang và chú ruột Phạm Khắc Phi đều làm nghề.

Tuổi thơ gắn liền với con rối, khi 5-6 tuổi đã theo chân cha và chú đi làm nên ông đã yêu nghề lúc nào không hay.

Nhưng thời kháng chiến chống Pháp, nhiều nghệ nhân của làng An Liệt (chốn tổ của phường rối nước Thanh Hải) phải rời tay rối, cầm súng lên đường chiến đấu, kéo theo một thời gian dài nghề rối bị thất truyền.

Hòa bình lập lại nhưng mãi đến năm 1999, phường rối nước Thanh Hải mới chính thức được phục dựng.

Là một trong những người đầu tiên tham gia, ông Ninh kể phường rối gặp muôn vàn khó khăn vì không có kinh phí. Hồi ấy, 5 người đi đầu gồm các cụ Tham, Kiên, Huân, Vừng, Đô là thế hệ truyền lửa, kêu gọi bà con góp của, góp công cùng phục dựng lại nghề truyền thống.

Thời vẫn còn nghèo đói, mỗi người chỉ góp một bò gạo mỗi ngày để thổi cơm chung, thế mà việc cứ đâu vào đấy. Người đi xin tre, xin gỗ về làm con rối, người đẽo gọt quân, người sơn con rối, người làm đạo cụ… Suốt 4 tháng ròng rã, công việc cũng hoàn thành. 

Buổi biểu diễn đầu tiên là ở ao nhà cụ Kiên, dân làng đến xem đông như hội. Gạt bèo, cắm 4 cái gậy thế là thành sân khấu. Do còn nhiều bỡ ngỡ, con trò còn cứng, đôi khi không theo ý người…

Thế mà, mỗi lần kết màn dân làng vỗ tay rào rào. Sau buổi biểu diễn, nhà nào có gỗ mít, gỗ sung đều tự đem đến tặng cho đoàn và ông Ninh là người chịu trách nhiệm chế tác những khúc gỗ vô tri ấy thành các quân trò, con trò để phục vụ các tiết mục ngày càng đa dạng của phường rối.

Những ngày đầu, phường rối chỉ biểu diễn được 5 tích trò, đến nay đã có hơn 20 tích trò ra đời. Mỗi tích trò mới ra lò, ông lại tìm tòi chế tác ra những quân rối mới. Thế nên ngoài nắm bắt các chiêu biểu diễn lành nghề thì ông Ninh còn được nhắc đến là bậc thầy về tạo hình.

Ông cũng chính là người mày mò đưa một số loại máy như máy xào, máy tràng xay… vào điều khiển để con rối được mềm mại, uyển chuyển và có hồn hơn. Yêu con rối, hiểu con rối nên ông được mệnh danh là “bác sĩ” chữa bách bệnh cho các quân trò mà đến nay khó có ai vượt qua được.

Nỗi lo thất truyền

Nhìn ông Ninh nắn từng chi tiết, bắt từng sợi dây trên từng con trò xem có hỏng hóc gì không, chúng tôi thấy cả tâm huyết của ông gửi gắm trong đó. Giờ tuổi đã cao, nặng tai nhưng trước mỗi buổi biểu diễn của đoàn, ông đều có thói quen kiểm tra như vậy.

Theo ông do thường xuyên ở dưới nước nên con trò dễ bị hỏng, phải kiểm tra để kịp sửa, bảo đảm cho buổi biểu diễn thành công. 

Ông bảo các cụ ví nghề này là “nghề chết rét”, bởi ngày xưa làm gì có quần áo chống nước như bây giờ, biểu diễn thì chỉ vào dịp lễ hội, trời rét, ngâm mình xuống bùn hàng tiếng đồng hồ đâu phải dễ, nếu không có tình yêu nghề không làm được.

Đến giờ, nghề rối cũng không phải là nghề để kiếm ra tiền, không nhiều người thiết tha với nghề, cũng không thu hút được giới trẻ. Hiện phường rối Thanh Hải có hơn 30 thành viên, bản thân ông cũng có nhiều học trò nhưng chủ yếu là lớp đã U50, duy chỉ có 2 thành viên trẻ tuổi sinh năm 2000 và 2003.

Trong phường có thành viên đã từng gắn bó nhưng rồi cũng vì mưu sinh mà bỏ nghề. Điều đó khiến ông Ninh trăn trở. 

Theo ông Ninh, tròn 20 năm phường rối của quê hương được phục dựng là những năm tháng cả đoàn nỗ lực không ngừng.

Đoàn của ông đã từng tham gia các đợt liên hoan múa rối nước toàn quốc, tham dự các festival… được giải cao, đó là kết quả của những cố gắng. Đến giờ, phường rối vẫn thường xuyên có đất diễn phục vụ du khách, hay các cháu học sinh tới tận nơi để xem…

Nhưng ai yêu nghề thì bám trụ, rất ít người mới, nhất là người trẻ vào làm nghề. “Một nghề truyền thống có lịch sử hàng trăm năm chẳng lẽ sẽ thất truyền?”, ông Ninh buồn rầu nói.

Theo ông Phạm Khắc Xoa, Trưởng phường rối nước Thanh Hải, phường đã có nhiều nỗ lực, liên kết với các cơ sở để đi biểu diễn phục vụ du khách nhưng kinh phí cũng chỉ đủ để quay vòng sắm sửa đồ diễn.

“Ông Ninh là người thứ ba của phường rối nước Thanh Hải được phong Nghệ nhân Ưu tú. Việc phong danh hiệu cho nghệ nhân rối nước này là động lực lớn cho chúng tôi. Nhưng để thu hút được người học và giữ nghề, chúng tôi rất mong thời gian tới sẽ có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân”, ông Xoa nói.

Nghệ nhân Phạm Hùng Ninh sinh năm 1945, tại thôn An Liệt, xã Thanh Hải (Thanh Hà). Ông chính thức theo nghề khi phường rối Thanh Hải được phục dựng vào năm 1999. Tháng 7.2019, ông được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Người giữ hồn rối nước Thanh Hải