Trong bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao giai đoạn 2018-2020, thu nhập là tiêu chí khó thực hiện vì đòi hỏi cao và biến động theo từng năm...
Nhiều nơi đưa giống cây trồng mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Địa phương chủ động
Ngày 26.10.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3958/QĐ-UBND quy định cụ thể bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh. Để được công nhận xã NTM nâng cao, thu nhập bình quân đầu người/năm tại thời điểm xét, công nhận phải tăng gấp từ 1,2 lần trở lên so với thời điểm được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Cụ thể, mức thu nhập của xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018 phải từ 50 triệu đồng trở lên/người, năm 2019 từ 55 triệu đồng trở lên và năm 2020 từ 60 triệu đồng trở lên.
Với mục tiêu năm 2019 là xã chuẩn NTM nâng cao, xã Thái Thịnh (Kinh Môn) đã bắt tay thực hiện các giải pháp đạt tiêu chí thu nhập. Ông Phạm Bá Tuyến, Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh cho biết: "Năm 2019, thu nhập bình quân của người dân trong xã cần tăng thêm 18 triệu đồng vì năm nay mới đạt 37 triệu đồng. Tôi thấy mức thu nhập 55 triệu đồng là tương đối cao, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng với những giải pháp đồng bộ thì sẽ khó thực hiện". Xã Thái Thịnh hiện có 2 làng nghề giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động với thu nhập từ 7-15 triệu đồng/người/tháng. Nhưng mới chỉ có làng nghề mỳ gạo Tống Buồng được công nhận là làng nghề truyền thống, còn làng nghề giò chả Tống Xá chưa được công nhận. Xã đang khuyến khích người dân mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm để Tống Xá sớm được công nhận là làng nghề; mở rộng diện tích rau màu chuyên canh và phát triển thêm các ngành dịch vụ khác...
Trong xây dựng NTM nâng cao, thu nhập là thước đo quan trọng đánh giá kết quả NTM của địa phương. Nhiều nơi đều tập trung khai thác lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và lao động để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Xã Văn Giang (Ninh Giang) có 21 ha đất bãi sông Luộc. Những năm qua, nông dân ở đây đã trồng các cây cho hiệu quả kinh tế cao như cải bắp, cà rốt, củ đậu... mang lại nguồn thu 300 triệu đồng/ha. Xã cũng có làng nghề nấu rượu truyền thống và 3 xưởng may gia công giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập khá. Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Văn Giang, xã rất mong muốn các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào địa phương. Điều này không chỉ tạo thu nhập, nâng cao chất lượng sống cho người dân mà còn là giải pháp để địa phương xây dựng NTM nâng cao.
Đa dạng hóa ngành nghề
Các địa phương trong tỉnh đều tập trung khai thác triệt để các thế mạnh để nâng cao thu nhập cho người dân
Đánh giá về tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí NTM nâng cao, đại diện Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết: "Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh ước đạt 46,2 triệu đồng, chưa phân biệt khu vực nông thôn và thành thị. Do đó, quy định tiêu chí thu nhập như trên là cao so với thực trạng các xã đạt chuẩn NTM hiện nay. Song phải như vậy thì ở xã NTM nâng cao mới thấy sự khác biệt hẳn so với những nơi khác".
Để nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân ở các xã nói chung và những xã đạt chuẩn NTM nói riêng, UBND tỉnh đã ban hành đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020". Trong đó, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân như kinh phí làm nhà màng, nhà lưới, quy hoạch các vùng sản xuất lúa, rau màu...
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 10 khu công nghiệp, 33 cụm công nghiệp, 65 làng nghề truyền thống cùng hàng trăm nghề phụ, góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động với thu nhập khá. Các doanh nghiệp không chỉ tập trung ở những khu vực trung tâm mà còn về các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, góp phần khuyến khích các hoạt động buôn bán, dịch vụ cho thuê nhà ở phát triển... Những năm qua, các địa phương phối hợp đẩy mạnh xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm cho người dân. Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh đang xây dựng đề án mỗi xã, phường một sản phẩm. Việc phát triển chuyên sâu một sản phẩm sẽ giúp nâng cao lợi thế của sản phẩm đó trên thị trường, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân.
Cũng theo đại diện Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, ngoài đa dạng hóa các ngành nghề, cần phải thực hiện đồng bộ các tiêu chí của NTM như an ninh trật tự, môi trường, giao thông, điện... vì các tiêu chí này bổ trợ cho nhau. Nếu một tiêu chí thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng, kìm hãm sự phát triển của các tiêu chí khác.
Để bảo đảm tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí NTM nâng cao, các địa phương đã đạt chuẩn NTM cần xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể. Đồng thời cần thay đổi cách tính toán tiêu chí thu nhập, thống kê hết, cụ thể các nguồn thu của người dân ở địa phương, không nên chỉ tập trung vào một số khoản thu chính như hiện nay.
THANH HÀ