Định Sơn, Cẩm Văn (Cẩm Giàng), Phạm Trấn (Gia Lộc) là 3 xã đầu tiên ở Hải Dương đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất. Ngoài việc bảo đảm các tiêu chí chung, mỗi xã đều có những “bí kíp” riêng để đạt được danh hiệu này.
Khơi dậy sự năng động của nông dân
Sau bão số 3, hàng chục ha nhà màng của Hợp tác xã Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) bị đổ sập đã và đang được khôi phục. Tại một số nhà màng, những luống dưa lưới, dưa chuột trồng lại cách đây khoảng chục ngày bắt đầu leo dây. Đa số các thành viên hợp tác xã đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tái thiết sản xuất.
Trên 7,5 sào nhà màng của gia đình, anh Hoàng Văn Lập đang tranh thủ thu hoạch những diện tích dưa lưới may mắn ít bị ảnh hưởng do bão. Sau khi thu hoạch xong, anh sẽ quay vòng trồng dưa chuột phục vụ thị trường cuối năm. “Tôi là một trong 3 nông dân đầu tiên ở xã này làm nhà lưới. Chúng tôi có kinh nghiệm, lại luôn đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong sản xuất nên khó khăn chắc chắn sẽ sớm qua đi. Chỉ vài tháng nữa là cả khu vực này lại ngập tràn màu xanh của cây trồng”.
Dẫn chúng tôi đi thăm vùng sản xuất, ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức cho biết đa số diện tích nhà màng ở xã Phạm Trấn đã bị đổ sập, thiệt hại rất lớn sau bão số 3. Tuy nhiên, sự hồi sinh đang trở lại khi các thành viên phát huy hết khả năng, kinh nghiệm, sự cần cù, sáng tạo sẵn có để khôi phục, ổn định sản xuất. “Ít nhất 50-60% diện tích nhà màng ở đây sẽ có sản phẩm để phục vụ thị trường Tết sắp tới”, ông Thư tự tin nói.
Theo ông Thư, điều kiện thổ nhưỡng ở xã Phạm Trấn cũng chỉ như nhiều nơi khác trong tỉnh. Việc xã trở thành nơi có mô hình nông nghiệp công nghệ cao và là 1 trong 3 địa phương đầu tiên của tỉnh đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Sự cần cù, chịu khó, đoàn kết, năng động trong sản xuất của nông dân nơi đây đóng vai trò nền tảng, khởi nguồn cho thành công này.
Hơn 10 năm trước, nông dân ở xã Phạm Trấn đã có tư duy làm nông nghiệp sạch để tạo ra những giá trị bền vững. Vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại đây từng bước được mở rộng trong giai đoạn 2010-2015. Trong thời gian này, Hợp tác xã Tân Minh Đức thành lập đã quy tụ, đoàn kết các hộ thành viên cùng chung chí hướng. Họ thành lập các đoàn đi đến nhiều vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước để học tập kinh nghiệm.
Năm 2017, khoảng 4.000 m2 rau màu trồng trong nhà màng, nhà lưới ở xã Phạm Trấn đã được hình thành nhưng thất bại ngay từ vụ đầu. Nông dân nơi đây không bỏ cuộc. Họ đoàn kết vượt lên khó khăn, tiếp tục tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để ứng dụng vào thực tế địa phương. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và một số tổ chức, việc sản xuất của các thành viên hợp tác xã dần đi vào ổn định, quy mô sản xuất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm không ngừng nâng lên. Đến nay, Phạm Trấn là xã có diện tích nhà màng, nhà lưới lớn nhất tỉnh với hàng chục ha.
Chủ tịch UBND xã Phạm Trấn Nguyễn Xuân Thơ cũng đồng quan điểm khi nhận định những người nông dân cần cù, chủ động thích ứng với thời cuộc là nền tảng cho thành quả nông thôn mới kiểu mẫu hôm nay. Ham học hỏi giúp nông dân trong xã giờ đây có thể sử dụng thành thạo công nghệ trong điều khiển hệ thống tưới nước tự động, trong quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Các sản phẩm cải bắp, dưa thơm, dưa leo, dưa lưới do nông dân trong xã sản xuất đã trở thành những sản phẩm chủ lực của địa phương, đạt sao OCOP và mang lại giá trị to lớn về kinh tế giúp cuộc sống của nhân dân nơi đây ngày càng ấm no.
“Đánh thức” vai trò của hợp tác xã
Không khí khôi phục sản xuất sau bão trên diện tích đất bãi ngoài đê sông Thái Bình thuộc địa phận xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) cũng đang diễn ra hết sức khẩn trương. Đất khô đến đâu, bà con nông dân ở đây sẽ lên luống, xuống giống trồng cà rốt ngay đến đó.
Ông Nguyễn Văn Mịch, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Văn cùng lãnh đạo địa phương xuống tận ruộng động viên, hỏi thăm, tiếp thu các kiến nghị của bà con về tình hình sản xuất...
Vợ chồng ông Đỗ Văn Hoan ở thôn Văn Thai vừa xuống giống 5 sào cà rốt ngoài đê phấn khởi nói: "Hợp tác xã ở đây luôn là chỗ dựa vững chắc để chúng tôi yên tâm phát triển sản xuất. Họ luôn sát cánh, hỗ trợ tốt nhất những gì trong khả năng cho bà con. Nghe Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nói đã tham mưu cho xã hỗ trợ tiền giống cho những gia đình có diện tích trồng cà rốt bị thiệt hại do bão mà chúng tôi rất mừng. Đây sẽ là động lực để chúng tôi sớm phủ xanh vùng đất bãi ngoài đê".
Cẩm Văn là một trong những xã có vùng sản xuất cà rốt lớn với 149 ha ở trong đồng và ngoài đê sông Thái Bình. Từ cây cà rốt đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ thị trường xuất khẩu và sản phẩm OCOP đặc trưng... Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để Cẩm Văn trở thành 1 trong 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất.
Có được thành quả trên, lãnh đạo UBND xã Cẩm Văn đánh giá rất cao vai trò của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Từ chỗ hoạt động cầm chừng, vai trò, tiềm năng của hợp tác xã đã được "đánh thức" đúng lúc. Giai đoạn 2015-2016, sau khi công việc dồn điền đổi thửa và quy vùng sản xuất tập trung hoàn thành, hợp tác xã đã chủ động liên hệ tìm giống cà rốt TI 3 của Nhật Bản về trồng thử nghiệm tại địa phương. Giống cà rốt này cho thấy những đặc điểm ưu việt so với những giống cà rốt cũ như F444 như thời gian sinh trưởng ngắn, mẫu mã đẹp, chất lượng bảo đảm, được thị trường ưa chuộng...
Nông dân có diện tích đất nằm trong 8 vùng trồng cà rốt của xã Cẩm Văn đồng loạt chuyển sang trồng giống TI3. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp mở nhiều lớp chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, đặc biệt là tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất an toàn, chỉ sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng, có trong danh mục. Cùng với đó, tìm hiểu và giúp nông dân áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, tìm đầu ra cho sản phẩm...
Những năm gần đây, năng suất cà rốt ở xã Cẩm Văn luôn duy trì ở mức từ 1,8-2 tấn/sào, tăng 1,5 lần so với trước đây. Tổng sản lượng cà rốt của vụ đạt khoảng 15.000 tấn, trong đó 12.000 tấn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Toàn xã đã hình thành được 5 cơ sở thu mua, chế biến cà rốt xuất khẩu quy mô lớn. Giá trị mà cây cà rốt mang lại góp phần không nhỏ trong việc thay đổi đời sống nhân dân nơi đây.
Liên kết trồng rau màu xuất khẩu
Tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp của xã Định Sơn (cùng huyện Cẩm Giàng) cũng không thực sự nổi trội so với nhiều địa phương trong tỉnh. Nhưng xã này lại trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất nhờ liên kết xây dựng vùng rau tập trung xuất khẩu.
Ông Bùi Quang Phương, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Định Sơn cho biết trước bão số 3, nông dân trong xã đã kịp thời thu hoạch khoảng 10 mẫu ớt chỉ thiên, chủ yếu cung cấp cho 1 doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh xuất khẩu. Hiện tại, bà con đang chuẩn bị thu hoạch lúa mùa để giải phóng đất trồng rau xuất khẩu.
Trước đây, nông dân xã Định Sơn cũng trồng rau vụ đông nhưng manh mún, không hiệu quả. Từ năm 2021 đến nay, từ sự giới thiệu của Phòng Nông nghiệp huyện, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Định Sơn đã liên kết với Công ty TNHH Hanoi Green Food ở xã Cao An để trồng rau xuất khẩu sang Hàn Quốc với 2 sản phẩm rau, mỗi vụ từ 10-20 ha. Công ty hỗ trợ toàn bộ chi phí làm đất, giống rau và cam kết bao tiêu sản phẩm.
Các loại rau trên bén rễ đồng đất Định Sơn, cho năng suất từ 8-1,3 tấn/sào, cao gấp 1,5 lần so với các loại rau cải thông thường. Tuỳ vào từng giai đoạn, giá thu mua có sự chênh lệch nhưng vẫn bảo đảm cho nông dân thu lãi từ 3-4 triệu đồng/sào. "Định Sơn còn nhiều diện tích có thể phát triển vùng rau xuất khẩu. Chúng tôi sẽ đề nghị phía doanh nghiệp mở rộng thị phần xuất khẩu để mở rộng vùng trồng các loại rau này", ông Phương cho hay.
Xã Định Sơn còn vận động được nhiều chủ trang trại, gia trại chuyển hướng sang đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hàng hóa, bảo vệ môi trường, tập trung vào những lĩnh vực như nuôi cá sông trong ao, trứng gà sạch... Thu nhập của các trang trại, gia trại đạt từ 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/mô hình/năm.
Để đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất, 3 xã trên đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: có từ 2 hợp tác xã trở lên hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định; địa phương có kế hoạch, thường xuyên duy trì, phát triển sản phẩm OCOP đã được công nhận và phát triển các sản phẩm OCOP mới; xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ hoặc các mô hình nông nghiệp ứng dụng cơ giới hóa; có vùng trồng sản xuất hàng hóa tập trung đối với sản phẩm chủ lực; có ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu... Sản xuất phát triển nên thu nhập của người dân ở các xã này tối thiểu đạt 74,8 triệu đồng/người/năm (theo quy định của UBND tỉnh).