Để nông dân ổn định sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ sớm có biện pháp hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Rươi Tứ Kỳ”...
Mắm rươi Tứ Kỳ được nhiều người ưa chuộng
Về Tứ Kỳ, chúng tôi được giới thiệu nhiều nhà hàng rươi. Từ con rươi, người ta có thể chế biến ra nhiều món như: rươi rán, rươi kho, lẩu rươi, mắm rươi… Vào cửa hàng bán mắm rươi của chị Phạm Thị Phương, chúng tôi được biết ở đây chị còn bán các loại mắm đặc sản khác như mắm cáy, mắm tép, nhưng mắm rươi chiếm 70%. Làm mắm rươi là nghề truyền thống của gia đình chị Phương. Mắm rươi ở cửa hàng của chị Phương không chỉ được khách hàng trong tỉnh biết đến mà khách hàng ở các tỉnh xa như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội cũng đặt hàng nhiều. Nhìn các loại tem mác dán trên chai mắm, chúng tôi biết đây là tem, mác gia đình chị tự đặt ở các hàng in ấn. Chị Phương cho biết: “Tuy mắm rươi của cửa hàng tôi bán ra đã tạo uy tín tới khách hàng, nhưng về lâu dài, tôi mong được các cơ quan chức năng hỗ trợ, tư vấn xây dựng thương hiệu rươi Tứ Kỳ, được quảng bá sản phẩm ở các hội chợ thương mại để mắm rươi có chỗ đứng trên thị trường”.
Rươi Tứ Kỳ có nhiều nhất ở xã An Thanh. Ông Phạm Xuân Thưởng ở thôn Thanh Kỳ cho biết: “Tôi đấu thầu 5 mẫu đất ở vùng bãi để khai thác rươi. Năm 2012, tôi thu được hơn 5 tạ rươi, thu nhập gần 200 triệu đồng". Khi chúng tôi nói đến việc xây dựng thương hiệu rươi Tứ Kỳ, ông Thưởng hào hứng: “Làm được thương hiệu rươi Tứ Kỳ thì tốt quá. Chúng tôi mong muốn được tỉnh quan tâm đầu tư quy vùng để khai thác rươi, tạo điều kiện để gây dựng thương hiệu, giúp chúng tôi yên tâm đầu tư phát triển rươi”.
Toàn xã An Thanh hiện có 3 vùng khai thác rươi ở 3 thôn An Lao, An Định, Thanh Kỳ với 50 ha đất bãi. Rươi An Thanh được cho là ngon nhất vùng. Tuy vậy, ở địa phương chỉ có rươi thương phẩm, còn các sản phẩm chế biến từ rươi thì chưa có. Người dân cũng làm mắm rươi nhưng không nhiều. Ông Đặng Văn Bích, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Địa phương rất muốn bảo vệ, phát triển con rươi truyền thống, mong muốn các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện cho các hộ dồn ô đổi thửa, quy vùng khai thác rươi. Trong những năm tới, xã cố gắng thành lập HTX rươi, cáy, xây dựng thương hiệu rươi Tứ Kỳ để sản phẩm có được chỗ đứng trên thị trường”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, rất nhiều hộ khai thác rươi ở đây có nguyện vọng xây dựng thương hiệu rươi Tứ Kỳ vì đó sẽ là căn cứ để bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. Họ cũng hy vọng khi có thương hiệu, giá bán sản phẩm sẽ cao hơn. Từ năm 2008, các hộ dân ở đây đã tự đắp bờ vùng, khai thác rươi, nhiều người đổi đời nhớ con rươi. Nhưng con rươi khai thác lâu dài sẽ cạn kiệt, vì vậy, các hộ khai thác rất mong cơ quan chức năng quy vùng tập trung khai thác rươi ở những nơi có tiềm năng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hà Hải, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tứ Kỳ cho biết: Cách đây hơn 1 tháng, huyện đã có văn bản gửi Sở Khoa học và Công nghệ xem xét hỗ trợ, xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể đối với 2 sản phẩm là mắm rươi và mắm cáy Tứ Kỳ. Từ nguyện vọng của nhân dân và địa phương, đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ sớm có biện pháp hỗ trợ, tư vấn xây dựng thương hiệu cho các con đặc sản vùng này để nông dân ổn định sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
MINH NGUYÊN