Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá nguồn nước trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình bảo đảm đủ cho nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, song vẫn phải xây dựng kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường vừa quyết định công bố kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình nhằm phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân. Đồng thời làm căn cứ để các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với kịch bản nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023.
Theo đó, kỳ công bố kịch bản được tính toán, đánh giá trong mùa cạn 2024-2025 (từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá về tổng thể nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng, nguồn nước trên các lưu vực sông, tiểu lưu vực sông cơ bản ở trạng thái bình thường, lượng nước vẫn có thể khai thác bảo đảm đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội; bảo đảm đầy đủ lượng nước cho các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, nguồn nước trên lưu vực trong kỳ công bố kịch bản không phải là dồi dào và vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Một số tiểu vùng, tiểu lưu vực, một số xã, huyện thuộc các địa phương như Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang và Bắc Giang vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ. Nguyên nhân chính do năng lực lấy nước và số lượng của các công trình khai thác, công trình, hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ.
Đối với việc sử dụng nguồn nước trong thời kỳ đổ ải (tháng 1, tháng 2/2025) và sau thời kỳ đổ ải (từ tháng 3 đến tháng 6/2025), mặc dù năm 2025, nguồn nước ở trạng thái bình thường, tuy nhiên nếu lượng nước xả từ các hồ chứa phục vụ đổ ải lớn và nhu cầu nước phục vụ phát điện tăng cao hoặc trong các tháng có nguy cơ xảy ra nắng nóng, thiếu hụt các nguồn điện khác thì nguồn nước của các hồ chứa có nguy cơ không đáp ứng đầy đủ lượng nước cho nhu cầu dùng nước ở hạ du.
Để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước, đặc biệt là ưu tiên bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình trong mọi tình huống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng và UBND cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo việc chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tuy nhiên, các kế hoạch sử dụng nước phải lập trên nguyên tắc tiết kiệm nước, tránh thất thoát, lãng phí, dự phòng nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước trong các tháng cuối mùa cạn.
Để bảo đảm sử dụng nước tổng hợp, đa mục tiêu, dự phòng trường hợp xảy ra nắng nóng diện rộng các tháng 4, 5, 6/2025 và giảm thiểu rủi ro nguy cơ thiếu hụt nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện, các hồ thủy điện (đặc biệt đối với các hồ thủy điện đa mục tiêu miền Bắc trên sông Đà) cần phải duy trì mực nước hồ để bảo đảm không bị suy giảm công suất phát điện đến cuối mùa cạn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị lượng nước phục vụ đổ ải trong khoảng 2,8 - 3,2 tỷ m3 và nhu cầu nước cho thủy điện với sản lượng như dự kiến hoặc tăng nhưng không vượt quá sản lượng trung bình giai đoạn 2015 - 2024 để bảo đảm khả năng nguồn nước đáp ứng hài hòa các mục đích sử dụng nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình trong mùa cạn năm 2024 - 2025 và thời gian tiếp theo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương chỉ đạo việc xây dựng và sớm ban hành kế hoạch lấy nước, kế hoạch phát điện trong thời kỳ đổ ải phù hợp, tiết kiệm. Các địa phương có phương án sử dụng tối ưu nguồn nước trong thời gian đổ ải để rút ngắn thời gian và lượng nước xả từ các hồ chứa để phục vụ đổ ải.
UBND các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, TP Hải Phòng và các địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn trên các sông để xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp, lưu ý việc bảo đảm số lượng, chất lượng nước cho các nhà máy nước sạch, công trình cấp nước tập trung bảo đảm nước cấp cho sinh hoạt và hoạt động sản xuất.
NGÂN HẠNH