Văn phòng Bộ Giao thông vận tải vừa thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy tại cuộc họp hoàn thiện "Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư".
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong quá trình xây dựng đề án, xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan và thảo luận rộng rãi cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật còn một số bất cập, chưa đồng bộ để điều chỉnh các hoạt động của đường sắt.
Do đề án chưa được Chính phủ phê duyệt, việc giao tài sản cho đối tượng quản lý, khai thác tài sản vẫn chưa được thực hiện, dẫn đến khó khăn trong chỉ đạo điều hành cũng như việc sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực đường sắt.
Để tiếp tục hoàn thiện đề án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, về nội dung giao quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với nội dung dự thảo Đề án đã trình Chính phủ (văn bản trình ngày 23.5.2022).
“Cụ thể, giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2030", theo thông báo kết luận.
Cùng với đó, sau khi đề án được phê duyệt, giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, nghiên cứu xác định những tài sản phù hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giao tài sản theo hình 2 thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Đối với bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Vụ kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường sắt Việt Nam xây dựng 2 phương án.
Phương án 1: Rà soát, hoàn thiện phương án đã trình Thủ tướng Chính phủ (tại văn bản ngày 23.5.2022).
Phương án 2: đặt hàng toàn bộ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 636/TTg-CN ngày 19.5.2021.
Các phương án trên cần được phân tích rõ các ưu, nhược điểm theo quy định của pháp luật và đưa ra phương án lựa chọn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2018/NĐ-CP ngày 16.01.2018 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện dự thảo đề án theo nguyên tắc nêu trên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại Công văn số 1899/VPCP-CN ngày 28.3.2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải thống nhất với các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước khi trình Thủ tướng Chính phủ Đề án trên.
Trước đó, tại văn bản số 908/VPCP-CN (ngày 4.2.2021), Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc: Trong thời gian Đề án chưa được phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam duy trì hoạt động bảo trì thường xuyên, liên tục, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác và hiệu quả, theo đúng quy định pháp luật.
Theo TTXVN