Đặc thù công việc liên quan trực tiếp tới sức khoẻ, tính mạng người dân đòi hỏi đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh luôn phải giỏi y thuật, sáng y đức, trở thành chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho bệnh nhân.
Không ngừng nâng cao trình độ, tay nghề
Không giống như các ngành nghề khác, nghề y có những yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt về chuyên môn, nghiệp vụ nên nhân lực ngành y phải không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ. Ở bất kỳ vị trí nào, điều dưỡng, y sĩ, bác sĩ hay dược sĩ thì người làm nghề y đều luôn phải trau dồi kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ người dân.
Hải Dương hiện có 12.710 người làm trong ngành y tế, bao gồm 7.657 người làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, 970 người ở các đơn vị thuộc bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, còn lại là nhân lực tại các cơ sở y tế tư nhân.
Trong đó, toàn tỉnh có 2.470 bác sĩ, trình độ sau đại học chiếm 54% và 919 dược sĩ từ đại học trở lên. Tỉnh có tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 12,5, vượt mục tiêu đề ra trong năm 2024.
Xác định nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ là giải pháp hữu hiệu, lâu bền để tạo dựng uy tín, niềm tin đối với ngành y tế tỉnh, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ đào tạo cho nhân lực ngành y.
Thực hiện chính sách xét đi đào tạo bác sĩ theo địa chỉ, đã có 16 sinh viên được tỉnh đào tạo và phân về tuyến cơ sở công tác. Sở Y tế đã hỗ trợ 60 sinh viên các trường y, dược sau tốt nghiệp về làm việc tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Đồng thời thực hiện chính sách ưu đãi sau đại học đối với 37 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II.
Nhằm xây dựng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, Sở Y tế đã cử 80 công chức, viên chức đi đào tạo chương trình tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II với các chuyên ngành nhi khoa, sản khoa, quản lý dược, hồi sức cấp cứu…
Bên cạnh việc trau dồi kiến thức y khoa, thời gian qua ngành y tế Hải Dương chú trọng tới chuyển giao kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Người dân Hải Dương được tiếp cận với dịch vụ y tế mới. Nhiều người mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo được cứu chữa kịp thời, không phải chuyển tuyến trên điều trị. Một số kỹ thuật phân theo tuyến đặc biệt để điều trị các bệnh về tim mạch, xương khớp, đột quỵ… cũng đã được triển khai tại tỉnh. Một số cơ sở y tế đi đầu trong việc chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ là các bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Nhi Hải Dương, Bệnh Nhiệt đới… Đặc biệt một số Trung tâm Y tế tuyến huyện như Tứ Kỳ, Ninh Giang… còn thực hiện thành công kỹ thuật vượt tuyến. Nhờ vậy, người dân yên tâm, tin tưởng vào dịch vụ y tế.
Nỗ lực phụng sự bệnh nhân
Là lực lượng nòng cốt, xung kích, tiên phong trên mặt trận chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, những chiến sĩ áo trắng không những phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ mà còn luôn luyện rèn y đức, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”.
Không chỉ là nghề cao quý mà nghề y còn là nghề nhân đạo vì ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe con người. Vì thế, người làm nghề y cần có tình thương yêu, sự quan tâm, bao dung với bệnh nhân như với chính người thân của mình. Chỉ có như vậy, nhân viên y tế mới tận tâm, trách nhiệm để chăm lo sức khỏe, thậm chí giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Những năm qua, các bệnh viện, cơ sở y tế trong tỉnh luôn đặt việc rèn luyện, giáo dục y đức cho đội ngũ nhân viên lên hàng đầu. Nhiều bệnh viện xây dựng khẩu hiệu định hướng phát triển gắn với đạo đức nghề nghiệp. Đó là: “Mỗi người bệnh là một người thân trong gia đình nhân viên y tế”, “Hết lòng phục vụ người bệnh và hành động vì sức khỏe cộng đồng”, “Trị bệnh bằng khối óc, chăm sóc bằng trái tim”…
Thời gian qua, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thay đổi phong cách, thái độ phục vụ để tạo sự hài lòng với người bệnh. Các bệnh viện, cơ sở y tế đưa nội dung giáo dục y đức lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi bộ, họp chuyên môn. Đội ngũ y, bác sĩ cũng được tập huấn các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng mềm để ứng xử phù hợp với bệnh nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Cảnh, Giám đốc Sở Y tế khẳng định hiếm có ngành nghề nào chỉ cần mắc lỗi lầm hay thiếu sót nhỏ lại có thể gây hậu quả lớn, thậm chí không còn cơ hội sửa chữa như nghề y. Những người theo đuổi ngành y phải rèn luyện, học tập suốt đời. Đội ngũ y, bác sĩ phải vừa hồng, vừa chuyên thì mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ cho người dân. Thời gian qua, Hải Dương ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho y, bác sĩ được rèn luyện, thể hiện bản thân, yên tâm công tác và gắn bó với nghề.
Kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nhân lực y tế của tỉnh
Tôi rất vui mừng khi vừa qua tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ với nguồn nhân lực y tế tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. Chính sách này đã bước đầu cởi bỏ nút thắt và ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám nhân lực y tế công lập.
Y tế là ngành rất đặc thù vì liên quan trực tiếp tới sức khoẻ, tính mạng của người dân. So với các ngành nghề khác, để có thể làm việc trong môi trường y tế cần quá trình học tập và đào tạo lâu dài. Không những vậy, ngay cả khi đã đi làm vẫn luôn phải nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, tiếp cận kỹ thuật mới. Vì thế, phải có chính sách đãi ngộ thoả đáng để đội ngũ y, bác sĩ gắn bó với nghề.
Chính sách hỗ trợ, thu hút và đãi ngộ mà tỉnh ban hành vào tháng 12/2024 đã bước đầu giải bài toán thiếu hụt nhân lực ngành y. Tỉnh cũng đưa ra mức đãi ngộ hợp lý để thu hút y, bác sĩ giỏi về công tác. Đồng thời, bác sĩ ở tuyến xã cũng được quan tâm đãi ngộ.
Tuy vậy, để chính sách phát huy hiệu quả vẫn cần có cơ chế, điều kiện thông thoáng, dễ tiếp cận.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Khánh
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện
Tiếp tục quan tâm tới y tế cơ sở
Các trạm y tế xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Mạng lưới y tế cơ sở là tuyến sát sườn và gần dân nhất, luôn tiên phong trong phòng chống, kiểm soát bệnh tật. Xác định được tầm quan trọng này, thời gian qua, các cấp, ngành đã quan tâm đầu tư cho các trạm y tế song nguồn lực vẫn còn hạn chế.
Vừa qua, Trạm Y tế thị trấn Nam Sách được đầu tư cơ sở vật chất mới với kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Do điều kiện làm việc tốt hơn nên đội ngũ nhân viên y tế tại trạm phấn khởi, an tâm gắn bó với nghề. Người dân cũng tin tưởng tới thăm khám sức khoẻ tại trạm y tế dù có nhiều lựa chọn khác. Đây chính là động lực để cán bộ, nhân viên tại trạm tiếp tục nỗ lực, nâng cao năng lực chuyên môn, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ người dân.
Mặc dù vậy, với dự báo xu thế bệnh tật và dân số thời gian tới thì vai trò của y tế cơ sở ngày càng quan trọng và áp lực cũng được nhân lên. Khi bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp thì y tế dự phòng phải được chú trọng từ cơ sở. Tuổi thọ của người dân tăng thì việc chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi cũng cần tính toán hợp lý. Ngoài ra, còn các phần việc liên quan tới quản lý bệnh không lây nhiễm, vệ sinh môi trường… cũng rất nặng nề.
Để giảm gánh nặng cho tuyến trên thì các trạm y tế phải bảo đảm cơ sở hạ tầng, nhân lực, trang thiết bị y tế cần thiết. Có như vậy, y tế cơ sở mới phát huy được vai trò là chân đế của ngành y tế.
Vương Thị Thủy
Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Y tế thị trấn Nam Sách
Chuyển đổi số để giảm bớt áp lực cho đội ngũ y tế
Mắc bệnh mạn tính nên tôi thường xuyên phải khám và điều trị nội trú định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Gần đây, tôi thấy bệnh viện có nhiều đổi mới trong khám chữa bệnh đem lại hiệu quả thiết thực.
Ngày trước, mỗi khi đến lịch khám, tôi đều phải đến sớm, xếp hàng chờ đợi. Từ ngày bệnh viện triển khai đăng ký khám trực tuyến, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh, tôi đã tự chủ động chọn thời gian và đến đúng giờ theo lịch hẹn, hạn chế được tình trạng tập trung đông người, quá tải tại khu vực chờ khám nên không còn lo về bệnh truyền nhiễm. Nhân viên y tế cũng bớt áp lực hơn khi không phải tiếp xúc nhiều với người bệnh.
Ngoài đăng ký khám trực tuyến, tôi cũng sử dụng dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại bệnh viện. Nhờ dịch vụ này, tôi không phải mang theo nhiều tiền mặt trong người như trước nên không lo đánh rơi hay bị lấy trộm. Mặt khác, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt được thực hiện ngay tại khoa chuyên môn nên không cần phải tới quầy thu ngân tập trung.
Mạc Thị Ly
Xã Cẩm Việt, huyện Thanh Hà