Việc cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn phải xây dựng chương trình hành động là một nét mới, được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đánh giá cán bộ ở Hải Dương.
Quy định xây dựng chương trình hành động là một điểm mới trong Đề án 02 về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong ảnh: Tại Hội nghị giao ban quý III, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị ngành tổ chức xây dựng đảng trong tỉnh cần quan tâm triển khai, thực hiện Đề án 02
Trình bày tại bước 2 của quy trình nhân sự
Đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2030 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có nêu: Bổ sung quy định cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn (từ phó trưởng phòng cấp huyện và tương đương trở lên) phải xây dựng và trình bày chương trình hành động tại hội nghị bước 2 của quy trình nhân sự (trước khi hội nghị tiến hành bỏ phiếu giới thiệu nhân sự) và tại hội nghị tập thể lãnh đạo (trước khi tập thể lãnh đạo bỏ phiếu biểu quyết bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự ứng cử). Đây là một điểm mới về việc thực hiện quy trình "5 bước" trong bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Đang được thực hiện các quy trình giới thiệu ứng cử chức danh Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn, đồng chí Nguyễn Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thị ủy, Chánh Thanh tra thị xã Kinh Môn là một trong những trường hợp đầu tiên trong tỉnh thực hiện thí điểm chủ trương trên. Đồng chí Cường cho biết đã dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu các lĩnh vực dự kiến được phân công phụ trách để xác định những vấn đề cần tập trung tham mưu và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Chương trình hành động của đồng chí xác định 6nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, tăng thu ngân sách, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản, quản lý trật tự xây dựng, đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện tốt an sinh xã hội...
"Việc phải xây dựng chương trình hành động giúp tôi định hình từ sớm được nhiệm vụ của mình khi được giới thiệu bầu vào chức danh mới. Cùng với dành thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, tôi đã tham vấn ý kiến của các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm, đương chức của thị xã để xác định những vấn đề trọng tâm, thực tiễn đang đặt ra để xây dựng chương trình hành động", đồng chí Cường chia sẻ.
Theo đánh giá của một số lãnh đạo địa phương, quy định xây dựng chương trình hành động với cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử là phương pháp thiết thực, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Thực hiện tốt chủ trương trên sẽ góp phần quan trọng cụ thể hóa tinh thần "5 rõ", "6 dám" trong công tác cán bộ. Chương trình hành động vừa là mục tiêu, vừa là động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ cho biết: "Việc xây dựng chương trình hành động sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Kết quả thực hiện sẽ là căn cứ, tiêu chí quan trọng để kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ và hết thời hạn bổ nhiệm, hết nhiệm kỳ. Muốn thực hiện tốt chủ trương trên cần có quy định về việc kiểm điểm, đánh giá thường xuyên việc thực hiện chương trình hành động".
Sớm hướng dẫn cụ thể
Một số ý kiến cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể việc xây dựng chương trình hành động để bảo đảm yêu cầu chung trong tỉnh với cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Việc xây dựng chương trình hành động phải có định lượng cụ thể, phù hợp với thực tế cơ quan, đơn vị, địa phương cán bộ công tác và có tính khả thi cao. "Chương trình hành động cần tập trung xác định mục tiêu, đề ra những giải pháp giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt, vấn đề thực sự cụ thể, rõ ràng ở cơ quan, đơn vị, địa phương cán bộ công tác. Từng nội dung công việc trong chương trình hành động phải bảo đảm "5 rõ" để làm căn cứ kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả, tránh tình trạng cán bộ nói hay, làm dở hoặc nói mà không làm được", lãnh đạo một Huyện ủy cho biết.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần chú trọng việc thẩm định, đánh giá, cho ý kiến giao nhiệm vụ vào chương trình hành động của cán bộ để tránh hình thức hoặc khiến việc xây dựng, trình bày chương trình hành động chỉ là một thủ tục trong giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ. Đối với những nội dung trong chương trình hành động không đòi hỏi tính bảo mật thì cần công khai tại cơ quan, đơn vị, địa phương cán bộ công tác để cán bộ, đảng viên, người dân giám sát, đánh giá công tâm, khách quan. Cùng với các nội dung công việc chuyên môn, chương trình hành động của cán bộ cần gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để đánh giá phẩm chất đạo đức cán bộ.
HOÀNG BIÊN