Quyết định của Thủ tướng nêu nhiều nhiệm vụ cần thực hiện để cải cách tiền lương, trong đó có việc xây dựng 3 bảng lương và phụ cấp đối với lực lượng vũ trang.
Thủ tướng vừa ký Quyết định 135 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Kế hoạch nhằm bảo đảm việc xây dựng và triển khai đúng tiến độ, chất lượng các văn bản quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, thực hiện từ ngày 1/7.
Một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong kế hoạch là xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Để thực hiện điều này, Thủ tướng yêu cầu xây dựng 3 bảng lương và phụ cấp đối với lực lượng vũ trang.
Đồng thời, các cơ quan hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với chế độ tiền lương mới.
Xây dựng Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Xây dựng Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, các chuyên ngành Tòa án, Kiểm sát và Kiểm toán.
Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương mới theo thẩm quyền được giao tại Quyết định của Ban Bí thư, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương mới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định chính sách tiền lương mới đối với khu vực doanh nghiệp, trong đó có một số nhiệm vụ cụ thể như điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia theo quy định của Bộ luật Lao động.
Ngoài ra, ban hành Nghị định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với doanh nghiệp Nhà nước.
Quyết định 135 của Thủ tướng nêu rõ, các cơ quan cần tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo gắn với cải cách chính sách tiền lương.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Danh mục chức danh, chức vụ tương đương thuộc phạm vi quản lý để làm căn cứ thực hiện chính sách tiền lương mới.
Cụ thể, Quyết định của Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ xây dựng Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy trong lực lượng vũ trang; rà soát sắp xếp các chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý cán bộ.
Để đảm bảo sự ổn định trong bộ máy, Thủ tướng quán triệt chỉ điều chuyển những vị trí thực sự bất hợp lý hoặc chưa được sắp xếp; một người đảm nhiệm nhiều chức vụ thì lấy chức vụ cao nhất để xác định chức danh tương đương.
Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng, các cấp có thẩm quyền xây dựng tờ trình về các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, tác động khi cải cách tiền lương đến chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Hội đồng tiền lương quốc gia vừa chính thức trình Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7.
Theo mức đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia, mức tăng là 6%, tương ứng tăng 200.000 - 280.000 đồng.
Cụ thể, lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Lương hiện hành các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng.
Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng, vùng 2 lên 21.200 đồng, vùng 3 là 18.600 đồng, vùng 4 là 16.600 đồng.