Vào ngày rằm tháng giêng, nhiều đình, chùa trong tỉnh rất nhộn nhịp, tấp nập nhưng đình Nại Thượng ở xã Đại Đức (Kim Thành) thì ngược lại, khá vắng vẻ. Trong khoảng vườn sâu hút hút với nhiều cây cổ thụ um tùm là mái đình nhỏ đang dần xuống cấp.
Chiếc chuông cổ từng bị mất vì cánh cửa đình không còn chắc chắn
Nơi thờ 7 anh em xuất chúng
Đình Nại Thượng thờ 7 anh em ruột họ Hoàng là con của ông bà Hoàng Công Nghiêm và Lê Thị Phương (người trong làng). Ngay từ nhỏ 7 anh em đã thông minh, văn võ song toàn, có công dẹp loạn, bảo vệ nhân dân. Khi giặc Hán xâm lược nước ta, 7 anh em họ Hoàng đã nhập vào đội quân Hai Bà Trưng đánh dẹp giặc Hán khu vực trang Nại Xuyên (khu vực Hải Dương, Hải Phòng hiện nay).
Cửa sổ kiểu chữ Thọ tròn đã bị hỏng phải bịt kín bằng tấm tôn
Sau khi cuộc chiến giành thắng lợi, 7 anh em họ Hoàng được phong Xứ tướng quân anh dũng và giao nhiệm vụ tổng quản bảo vệ trang Nại Xuyên. Khi giặc Hán tiếp tục xâm lược với thế hung ác, để bảo vệ thần dân trăm họ, Hai Bà Trưng đã rút quân, lui về vùng trong. Địch truy đuổi tận cùng, nghĩa quân chiến đấu dũng cảm, quyết liệt. Sau đó Hai Bà Trưng tuẫn tiết tại sông Hát môn để giữ khí tiết quật cường, thà chết chứ không đầu hàng giặc. Biết tin này, nghĩa quân 7 anh em họ Hoàng vẫn tiếp tục chiến đấu đánh giặc. Sau đó, nghĩa quân rút lui về bảo vệ quê nhà. Đến sông Ngọ Dương (thuộc trang Nại Xuyên), tướng lĩnh nghĩa quân đục thuyền chìm, lúc đó trời đất nổi phong ba, 7 vị tướng đã hóa thân. Tưởng nhớ công ơn của 7 anh em tướng lĩnh họ Hoàng cũng nghĩa quân đã giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Hán cứu nước, thời vua Lý Nam Đế đã lệnh cho dân trong vùng lập đền miếu phụng thờ khói hương muôn đời.
Hệ thống cửa 3 gian đã bị mối mọt, xập xệ, phải 2 người mới mở được
Hằng năm cứ vào ngày 13-15.11 âm lịch là nhân dân ở đây mở hội đình, tế lễ rước kiệu đón vong linh 7 vị tướng hội tụ, phù hộ dân làng làm ăn phát đạt, mọi điều tốt lành. Từ triều đại Lý, Trần, Lê đến triều Nguyễn, 7 vị tướng lĩnh đã được sắc phong 15 lần do đã có công giúp dân, giúp nước. Hưng Đạo Đại Vương và Thái úy Lý Thường Kiệt đã đóng góp nhiều tiền của để mở rộng đền thành đình, tu bổ đình khang trang khi dừng chân.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, đình Nại Thượng trở thành trường học, ban ngày dạy các lớp học phổ thông cho con cháu trong làng, ban đêm mở các lớp bình dân học vụ cho các cụ và nhân dân chưa biết chữ. Đình Thượng từng là nơi dựng chòi quan sát máy bay Mỹ. Trải qua thời gian và các cuộc chiến tranh, ngôi đình bị tàn phá. Sau đó, nhân dân chỉ dựng một miếu nhỏ để thờ các vị thần. Năm 1997, ngôi đình được nhân dân đóng góp xây dựng lại với 5 gian đại bái, 3 gian trung từ và 1 gian hậu cung. Đình được UBND tỉnh xếp hạng vào năm 2005.
Những tấm bia rêu phong chưa được dịch lại xếp ngổn ngang ở chân đình
Cần được quan tâm tu sửa
Theo anh Ngô Văn Thành, Trưởng Ban Quản lý đình Nại Thượng, đình được xây từ năm 1997 đến nay đã có nhiều hạng mục xuống cấp. Mái vọng cung xập xệ, thường xuyên bị dột ướt. 4 bức tường đã bị ngấm nước khi trời mưa và nứt. Hệ thống cửa mở 3 gian giữa kiểu thượng song hạ bản đã bị mối mọt, không còn chắc chắn. Vì thế, đình đã 2 lần bị trộm cắp, có lần mất chiếc chuông cổ, sau 2 tháng thì đối tượng mang trả đặt trước cửa chùa kèm theo 10 USD. Bộ cửa xệ hẳn nên mỗi khi mở cửa cần có 2 người đỡ cánh. “Nếu làm cửa lim gỗ đẹp giờ cũng phải hết hơn 100 triệu đồng nhưng đình không có kinh phí, rất mong cấp trên hỗ trợ”, anh Thành nói.
Các góc đình đều bị thấm nước
Hai gian bên hồi của đình trổ cửa sổ kiểu chữ Thọ tròn nhưng đã bị hỏng gãy phải bịt bằng tấm tôn. Đình có gần chục tấm bia đá nhưng chưa được dịch thuật và phục dựng lại mà xếp ở chân tường rêu phong phủ gần kín. Ngôi đình còn thiếu nhiều công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, nhà khách… Ông Vũ Văn Tuyển, một người dân ở cạnh đình cho biết rất mong ngôi đình được trùng tu, mở rộng, quang cảnh khang trang để nhân dân đến lễ bái thường xuyên hơn.
Đề nghị tỉnh, ngành văn hóa quan tâm đầu tư kinh phí tôn tạo để ngôi đình xứng đáng là di tích cấp tỉnh, trở thành không gian sinh hoạt văn hóa tôn nghiêm, an toàn cho nhân dân địa phương.
Đình Nại Thượng được UBND tỉnh xếp hạng vào năm 2005
MINH NGUYÊN