Không chỉ quan tâm hỗ trợ nông dân chăm sóc cây vải đúng quy trình, huyện Thanh Hà còn tổ chức hội nghị xúc tiến, tìm kiếm cơ hội tiêu thụ quả vải.
Đại diện các doanh nghiệp cùng lãnh đạo huyện Thanh Hà đi thăm vùng vải xuất khẩu ở xã Thanh Sơn
Cây vải Thanh Hà đang hứa hẹn một mùa thu hoạch sản lượng lớn. Hướng đi xuất khẩu sẽ tạo sự phát triển bền vững, khẳng định vị thế của trái cây đặc sản này trên thị trường quốc tế.
Nông dân chủ động
Lần đầu tiên ông Vũ Văn Nhuận ở thôn Thiệu Mỹ, xã Vĩnh Lập trồng vải xuất khẩu nhưng ông không lo lắng mà rất chủ động. Nhiều năm trồng vải, ông Nhuận đã tích lũy những bí quyết riêng trong chăm sóc nên năm nào vải của gia đình ông cũng được mùa. Theo ông Nhuận, nếu đã quen sản xuất theo quy trình VietGAP thì làm vải xuất khẩu không khó. Bởi muốn xuất khẩu dễ dàng, quả vải khi tới tay người tiêu dùng trước hết phải không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Yêu cầu này đã có sẵn trong quy trình VietGAP. Vùng vải xuất khẩu khi đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp mã số vùng trồng.
Khi vườn vải của gia đình mình được chọn quy hoạch vào vùng xuất khẩu, ông Phạm Văn Lĩnh ở thôn Vĩnh Ninh, xã Thanh Cường rất mừng. Gia đình ông thường xuyên kiểm tra hoa, quả vải. Vốn cẩn thận trong từng khâu chăm sóc nên năm trước dùng thuốc gì, phân bón nào... ông Lĩnh đều ghi chép cẩn thận vào nhật ký để năm sau đối chiếu, rút kinh nghiệm. Với ông, ngoài học hỏi tiến bộ kỹ thuật thì kinh nghiệm là một trong những yếu tố cần thiết. Cây vải nhạy cảm với thời tiết nên phải theo dõi sát sao để khi có biểu hiện lạ thì "điều trị" đúng thuốc, đúng thời điểm. "Với người Thanh Hà, làm vải xuất khẩu không khó, chỉ cần quả vải có đầu ra ổn định", ông Lĩnh tự tin nói.
Năm nay, Thanh Hà mở rộng thêm 17 vùng vải xuất khẩu với diện tích 244,8 ha. Trong đó có các xã lần đầu tiên làm vải xuất khẩu gồm Vĩnh Lập, Thanh Hồng, Thanh Cường. Huyện tiếp tục duy trì 17 vùng rộng 155,2 ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản... từ năm 2020. Như vậy, đến nay huyện Thanh Hà có 34 vùng vải xuất khẩu với tổng diện tích 400 ha.
Nông dân thôn Vĩnh Ninh (xã Thanh Cường) phun thuốc chống sương mai cho cây vải
Hỗ trợ tiêu thụ
Để mở rộng vùng vải xuất khẩu, huyện Thanh Hà đã đề nghị tỉnh hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng, huyện sẽ đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân mua thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kiến thức chăm sóc vải theo quy trình; thuê tư vấn, chứng nhận VietGAP; phân tích, giám định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; xúc tiến thương mại...
Song song với quan tâm hỗ trợ nông dân làm vải xuất khẩu đúng quy trình, huyện Thanh Hà đã tổ chức hội nghị xúc tiến, tiêu thụ vải thiều. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ đã đăng ký thu mua vải với diện tích 21,7 ha ở vùng xuất khẩu các xã Thanh Sơn, Thanh Xá. Công ty CP Ameii Việt Nam đăng ký thu mua 20,5 ha tại các xã Thanh Thủy, Thanh Quang. Anh Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết: "Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, quả vải sẽ không lo đầu ra. Doanh nghiệp đã có kinh nghiệm đưa quả vải sang Nhật, Singapore từ năm ngoái nên năm nay đơn hàng có thể sẽ tăng lên nếu vải bảo đảm chất lượng tốt". Ngoài xuất khẩu vải, nhiều doanh nghiệp dự kiến thu mua vải với khối lượng lớn để sấy và chế biến thành nước uống như các công ty: CP Nông sản Hưng Việt, TNHH Khởi Huệ...
Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc sản vải thiều đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước; phối hợp với một số sở, ngành kết nối với các tập đoàn bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại để khai thác tốt thị trường tiêu thụ trong nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến thu mua vải. UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn tuyên truyền cho người dân nghiêm túc thực hiện quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng vải thiều Thanh Hà, bảo đảm tốt các yêu cầu về xuất khẩu.
MINH NGUYỆT