Việc xác định cụ thể từng loại sâu, bệnh gây hại trên cây thanh long sẽ giúp nông dân Chí Linh (Hải Dương) sử dụng hiệu quả các loại thuốc phòng trừ.
Sau gần 1 năm thực hiện, UBND TP Chí Linh (Hải Dương), đơn vị thực hiện Đề tài "Ứng dụng giải pháp kỹ thuật tổng hợp phòng trừ sâu bệnh hại chính trên cây thanh long tại TP Chí Linh" đã xác định được 180 mẫu sâu, bệnh hại cây thanh long ở xã Hoàng Hoa Thám và phường Bến Tắm. Đơn vị phân tích, định danh được 153 mẫu sâu, bệnh hại. Nhiều nhất là bệnh thán thư và đốm nâu (mỗi loại có 24 mẫu), còn lại là các bệnh rệp sáp; ruồi đục quả; thối cành, hoa, quả; thối rễ, tóp cành; tuyến trùng (mỗi loại có 15 mẫu).
Với mỗi loại sâu, bệnh, đơn vị đã phân tích nguyên nhân, thời điểm, đặc điểm và khuyến cáo nông dân sử dụng các loại thuốc phù hợp để phòng trừ và tiêu diệt sâu, bệnh hiệu quả.
Đối với bệnh đốm nâu, khi trồng, người dân cần lấy giống ở vườn không bị bệnh. Cuối mùa khô hoặc đầu mùa mưa, bón chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân hữu cơ để tăng khả năng kiểm soát nguồn bệnh trong đất. Sử dụng thuốc Amistar Top 325SC phun phòng trừ bệnh đạt hiệu lực trên 83%; thuốc Antracol 70 WP đạt trên 70%.
Đối với bệnh thán thư, sử dụng thuốc Amistar Top 325SC hoặc thuốc Antracol 70 WP.
Đây là kết quả bước đầu của đề tài trên được đưa ra tại hội thảo đầu bờ do UBND TP Chí Linh tổ chức sáng 6/12 ở phường Bến Tắm.
PV