Trường hợp có thay đổi về chính sách tiền lương dẫn đến chi phí ngừng cấp điện trở lại thay đổi từ 30% trở lên so với mức đang được áp dụng.
Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 25/2014/TT-BCTquy định phương pháp xác định mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại, cho phép Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực và các đơn vị phân phối, bán lẻ điện được thu chi phí ngừng và cấp điện trở lại để bù đắp cho việc thực hiện ngừng và cấp điện trở lại.
Tiền thu chi phí ngừng và cấp điện trở lại được hạch toán vào doanh thu của bên bán điện và nộp thuế theo quy định; được thu trước 1 lần khi ngừng cấp điện theo yêu cầu của bên mua điện hoặc thu trước khi cấp điện trở lại trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm, bị ngừng cấp điện theo quy định của pháp luật.
Theo đó, chi phí ngừng và cấp điện trở lại bằng chi phí nhân công cộng với chi phí đi lại, nhân với hệ số điều chỉnh theo khoảng cách, hệ số điều chỉnh theo vùng miền. Trong đó, chi phí nhân công tính theo lương tối thiểu vùng bình quân cho 1 ngày công, hệ số lương bậc thợ, hệ số phụ cấp lưu động và số công cho 1 lần đóng cắt theo các cấp điện áp; chi phí đi lại được xác định theo khoảng cách từ trụ sở đơn vị trực tiếp thực hiện ngừng và cấp điện trở lại đến địa điểm thực hiện ngừng và cấp điện trở lại.
Trường hợp có thay đổi về chính sách tiền lương dẫn đến chi phí ngừng cấp điện trở lại thay đổi từ 30% trở lên so với mức đang được áp dụng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm cập nhật, tính toán lại mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại, trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25-9-2014.