Chiều 28.12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị ký kết Quy chế phối hợp công tác nhiệm kỳ 2021-2026.
Lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh ký kết Quy chế phối hợp công tác nhiệm kỳ 2021-2026
Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tới dự.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh là rất quan trọng nhằm xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng vững chắc dựa trên nền tảng phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Quy chế phối hợp sẽ giúp 4 trụ cột trong hệ thống chính trị hỗ trợ và giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Dựa theo các nội dung đã ký kết trong quy chế phối hợp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị 4 cơ quan tập trung triển khai thực hiện trên tinh thần "5 rõ". Trong nhiệm kỳ 2021-2026, đề nghị 4 cơ quan tăng cường phối hợp trong hoạt động giám sát, lựa chọn những vấn đề giám sát bảo đảm vừa đúng, vừa trúng.
Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri cần thay đổi cách thức tổ chức truyền thống sang hướng "đại biểu chủ động đến với cử tri". Mỗi đại biểu tiếp xúc với một nhóm cử tri, vừa thiết thực, vừa bảo đảm giãn cách để phòng chống dịch bệnh. Việc tiếp xúc cử tri phải diễn ra thường xuyên chứ không phải đợi đến khi tổ chức kỳ họp mới tiến hành. 4 cơ quan cần có sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức hoạt động này, làm thí điểm ngay trong đầu năm 2022.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh hoạt động phản biện xã hội trong nhiệm kỳ qua vẫn còn yếu. MTTQ cần chủ động hơn trong xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức phản biện đối với các nghị quyết, dự thảo văn bản của HĐND, UBND, nhất là những chủ trương, chính sách liên quan đến đời sống nhân dân...
HĐND tỉnh cần chủ động hơn nữa trong xây dựng nội dung các kỳ họp chuyên đề và thường kỳ. Các cơ quan cần phối hợp với HĐND nâng cao chất lượng tổ chức kỳ họp theo hướng tăng cường sự tham gia của cử tri. Trước mỗi kỳ họp, UBND tỉnh phải sớm đưa ra những vấn đề cần nêu trong kỳ họp để HĐND có thời gian thẩm định. Qua đó, góp phần nâng cao nghị quyết của HĐND và giúp UBND tỉnh chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ.
Đối với việc trả lời ý kiến cử tri và kiến nghị của Ủy ban MTTQ, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ để xác định được những ý kiến xác đáng, trọng tâm, thiết thực, được dư luận quan tâm... để giải quyết đến cùng. Giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là quy trách nhiệm cho người đứng đầu đôn đốc, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri...
Đối với các hoạt động phối hợp khác, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu 4 cơ quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, thường xuyên trao đổi, đánh giá và phải xác định được đâu là cơ quan "cầm chịch" trong thực hiện. Phối hợp làm việc gì cũng cần đổi mới, nghiêm túc, bảo đảm "5 rõ", chú ý đến tính hiệu quả, có đánh giá và đưa vào báo cáo kỳ họp cuối năm của HĐND.
Đề nghị ngay sau khi ký kết, các cơ quan phải bắt tay ngay vào thực hiện quy chế phối hợp theo hướng rõ việc, rõ người, rõ thời gian, hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của 4 cơ quan, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ xã hội, dân chủ trong hệ thống chính trị, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống, chăm lo hạnh phúc cho nhân dân.
Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 (sửa đổi, bổ sung) gồm 3 chương (giữ nguyên như nhiệm kỳ trước), 18 điều (tăng thêm điều thứ 11 về công tác phối hợp giám sát hoạt động của tổ đại biểu, đại biểu dân cử), bổ sung một số điểm mới tại điều 7 (về tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri), điều 9 (về tham gia xây dựng văn bản pháp luật của Quốc hội và văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND), điều 10 (về phối hợp trong hoạt động giám sát) và điều 13 (việc trả lời ý kiến cử tri và kiến nghị của MTTQ).
Nhiệm kỳ 2016-2021, Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
5 năm qua, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ phát động. Chương trình ''Xuân ấm tình người'' đã huy động nguồn lực tặng 113.340 suất quà với tổng trị giá gần 55 tỷ đồng cho người nghèo. Quỹ "Vì người nghèo" các cấp vận động được 59 tỷ đồng. Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa” vận động được hơn 12,4 tỷ đồng để thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ ba bùng phát tại Hải Dương từ ngày 1.2-17.3.2021, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận tổng số tiền hơn 88,1 tỷ đồng và số lượng lớn thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng dịch, nhu yếu phẩm.
Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND và Uỷ ban MTTQ tỉnh tích cực đổi mới nội dung, hình thức nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri. Các đơn vị phối hợp tổ chức được 68 điểm tiếp xúc với Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV, có 9.470 cử tri tham dự với 613 ý kiến, kiến nghị; tổ chức 165 điểm tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh, có 19.178 cử tri tham dự và 1.421 lượt ý kiến đóng góp.
Công tác tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh có nhiều đổi mới, hiệu quả cao. Các chương trình giám sát thu hút sự quan tâm của dư luận, được nhân dân quan tâm... |
TIẾN MẠNH