- Bố ơi, Vua Hùng là ai ạ? - À, Vua Hùng hay còn gọi là Hùng Vương con nhé. Theo truyền thuyết, các Vua Hùng là hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ con ạ.
- Có phải Lạc Long Quân và Âu Cơ mà hôm trước bố kể cho con không?
- Đúng rồi, đó là thủy tổ của dân tộc mình gắn với truyền thuyết bọc trăm trứng, cội nguồn của cư dân nước ta đó con. Mà sao tự nhiên con hỏi về các Vua Hùng?
- Tại con thấy ông bà nội bảo hôm nào cả nhà mình làm lễ cúng giỗ Vua Hùng. Con hỏi Vua Hùng là ai thì bà bảo về hỏi bố, bố giỏi sử kể sẽ rõ hơn bà…
*
Đấy, mới ngày nào nó còn hỏi bố những câu chuyện như thế mà bây giờ đã là chàng sĩ quan rắn rỏi, đóng quân tại mảnh đất nơi các Vua Hùng yên nghỉ. Mới tháng trước thôi nó dẫn người yêu về ra mắt, dự định cuối năm sẽ cưới. Bao khó khăn đã đi qua, nghĩ đến chuyện dựng vợ cho con mà ông Hải mừng thầm, rồi bất chợt nét mặt chuyển sắc, ánh mắt đượm buồn khi nhớ về quá khứ.
Ngày ấy Hải không đẹp trai lắm nhưng bù lại anh giáo làng lại ăn nói có duyên. Trong thôn bao cô gái gợi mở yêu thương nhưng Hải không để ý mà thầm yêu cô Ngọc đầu làng. Khác với vẻ nho nhã của Hải, Ngọc rất lanh lợi và thực tế, buôn bán từ chợ làng đến tỉnh. Hải biết Ngọc không thích cũng không ghét mình nên cách tốt nhất là lấy lòng “nhạc phụ, nhạc mẫu”. Quả nhiên họ thành đôi sau đó. Hạnh phúc đôi uyên ương tăng thêm khi đón nhận đứa con đầu lòng. Nhưng sau lần Hải bị tai nạn, mất đi khả năng đàn ông thì Ngọc trở nên cáu bẳn, những chuyến hàng chợ đi sớm về khuya tăng dần. Hải biết sự thay đổi từ vợ, xóm làng cũng không ngớt râm ran. Anh im lặng vì muốn con có mái ấm vẹn nguyên, hơn nữa mọi chi tiêu trong gia đình lúc này đều một tay Ngọc lo chứ lương gõ đầu trẻ của Hải thì thấm vào đâu. Ngọc như được thể, xem thường chồng ra mặt.
Chuyện gì đến rồi cũng đến, Ngọc đề nghị Hải giải thoát cho cô vì tuổi thanh xuân còn dài, chẳng thể “ăn chay niệm Phật”. Lòng Hải như xát muối, anh chấp nhận khi được quyền nuôi con, cũng là để Ngọc không vướng bận cho chuyến đò sau. Hậu chia tay Ngọc vẫn thường về mang theo quà bánh, quần áo cho con nhưng cũng chỉ được năm đầu rồi thưa dần và mất tăm. Từ đó tới nay, Hải vẫn ân cần như con rể ngày nào với ông bà ngoại của con trai, âm thầm sống, dạy dỗ con nên người.
*
Tiếng xe máy ngoài cổng và tiếng gọi bố ơi làm ông Hải giật mình, dứt dòng suy nghĩ. Khác những lần trước về nhà tươi cười từ ngõ, lần này Long - con trai ông về với vẻ mặt căng thẳng làm ông lo lắng.
- Có chuyện gì vậy con?
- Bố! Chuyện khá phức tạp, chỉ có bố mới gỡ nút thắt này được thôi ạ! - Long nói, giọng nghiêm trọng.
- Chuyện thế nào con nói bố nghe - ông Hải giục con.
- Hôm trước Linh đưa con về quê ra mắt, hôm đó nhà cô ấy đông đủ người thân, vô tình con gặp mẹ ở đó. Hóa ra, Linh là cháu ruột bên nhà chồng của mẹ, gọi mẹ là mợ - Long kể.
Ngừng một lát rồi con trai tiếp lời:
- Linh rất ngoan và hiếu thảo, chúng con yêu nhau nhưng sợ khi biết chuyện này bố sẽ không chấp nhận. Con biết bố đã một đời vất vả vì con nên… - Long ấp úng - Còn nữa, ngày xưa đi buôn mẹ bị vỡ nợ nên phải chạy vào Tây Nguyên sống từ đó tới giờ. Hôm gặp con mẹ khóc, xin con tha thứ vì không chăm sóc con được...
Nghe con trai kể, ông Hải không khỏi bàng hoàng, lẽ nào cuộc đời lại đẩy ông vào cảnh “oan gia ngõ hẹp”. Đã đọc biết bao tiểu thuyết nhưng chưa khi nào ông nghĩ mình phải ở trong hoàn cảnh oái oăm này. Ngăn cấm con ư, mình ích kỷ quá, bọn trẻ đâu có tội. Nhắm mắt cho qua để kết thông gia với gia đình kẻ bạc tình ư, đắng quá. Ông Hải ngồi trầm ngâm cả tiếng đồng hồ mặc cho con trai hết ra lại vào đầy lo lắng. Bất chợt ông Hải hỏi con:
- Bố mẹ Linh biết chuyện chưa?
- Dạ rồi ạ! - Long trả lời.
- Ý họ thế nào?
- Dạ, họ nói quyết định là ở bố ạ! – Long trả lời.
Ông Hải biết sự hiếu thảo của con trai và cũng hiểu nỗi khổ của con lúc này. Đầu ông căng như người gỡ bom, chỉ lỡ ích kỷ vô tình sẽ cắt đứt dây hạnh phúc của nó. Chẳng phải mình vượt qua bao cay đắng của cuộc đời cũng chỉ để con sống hạnh phúc đó sao. Thôi thì vun đắp cho bọn trẻ mà xem như cái số mình hẩm hiu vậy. Ông Hải bảo con:
- Thu xếp hôm nào để bố lên nói chuyện với nhà gái.
Long mừng ra mặt, quay sang ôm bố như ngày trẻ thơ, xoắn xuýt:
- Vậy tuần tới nghỉ ngày Giỗ Tổ, bố lên thăm đơn vị con rồi qua nhà Linh, hôm sau chúng con đưa bố đi dự lễ dâng hương luôn ạ!
Nhìn con ông Hải cười và cảm nhận hạnh phúc cứ miên man trong lòng.
HÀ VĂN