Năm học 2021-2022, ngành giáo dục và đào tạo xác định vừa thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Học sinh hân hoan tham dự lễ khai giảng được truyền hình trực tiếp từ Trường THCS Trưng Vương - nơi tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021 - 2022 chung của TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Sáng 5.9, 44/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức khai giảng năm học mới với nhiều hình thức linh hoạt, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, giáo viên vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ dạy và học. Trong đó, có 24 địa phương tổ chức khai giảng trực tiếp, 20 địa phương khai giảng trực tuyến hoặc trên truyền hình.
Năm học 2021-2022 là một năm học đặc biệt do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh trên cả nước không thể tham dự lễ khai giảng thống nhất trong một ngày (5.9) như mọi năm. Có 13 địa phương phải lùi thời gian tổ chức khai giảng sau ngày 5.9 và 6 địa phương không tổ chức khai giảng gồm: Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Cà Mau, Cần Thơ và Bạc Liêu.
Tại nhiều địa phương, lễ khai giảng được phát thanh, truyền hình trực tiếp gồm các nội dung: Đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành giáo dục nhân dịp năm học mới; tóm tắt thành tích nổi bật của ngành giáo dục và đào tạo năm học 2020-2021; phát biểu chào mừng và đánh trống khai trường…
Sau khi kết thúc phần lễ chung, thông qua các ứng dụng trực tuyến, nhiều trường tổ chức các hoạt động khai giảng của trường mình; giáo viên chủ nhiệm sinh hoạt lớp, giúp học sinh xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện, phát triển bản thân trong năm học 2021-2022…
Trong thư của Chủ tịch nước gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Với người làm thầy, làm cô và với các em học sinh, sinh viên, việc không thể đến lớp vào mùa tựu trường là cả một sự trống trải đi liền với nỗi buồn sâu sắc…
Công tác y tế được thực hiện chặt chẽ. Tất cả người vào trường đều được đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Nhiều học sinh, sinh viên đã trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn do phong tỏa, giãn cách. Việc học trực tuyến còn những hạn chế, bất cập và không đồng bộ, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những gia đình thiếu các điều kiện, phương tiện để học trực tuyến. Tất cả chúng ta đều rất lo lắng và đồng cảm khi chứng kiến cảnh những F0, F1 là các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học, thậm chí là bậc mẫu giáo, những thiếu niên, nhi đồng phải rời gia đình, làng xóm để đi điều trị hoặc cách ly tập trung; do vậy đã bị ngắt quãng việc học.
Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục cùng các ngành, các cấp cần lưu ý, có những hành động tương xứng với tình hình dịch bệnh và có những biện pháp giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa. Hơn bao giờ hết, toàn xã hội, cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động cùng với ngành giáo dục vì tương lai của đất nước, vì tương lai con em chúng ta.
Năm học 2021-2022, ngành giáo dục và đào tạo xác định tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Công tác tổ chức dạy học được yêu cầu “tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát”. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục. Đối với giáo dục mầm non, không áp dụng hình thức dạy học trực tuyến này mà tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.
Theo TTXVN