Vượt "bão" dịch tả lợn châu Phi, trang trại thắng lớn

08/03/2020 15:09

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát đã làm phần lớn đàn lợn của tỉnh phải tiêu hủy nên nguồn hàng khan hiếm, giá lợn hơi đẩy lên cao.

Giá lợn hơi có lúc lên tới 95.000 đồng/kg

Bên cạnh những trang trại điêu đứng vì dịch bệnh, không ít trang trại giữ được lợn đang thắng lớn.

Nửa năm bằng 3 năm

Ở giữa tâm "bão" DTLCP nhưng trang trại lợn của ông Bùi Quang Huy ở thôn Cam Lộ, xã Tân Việt (Thanh Hà) vẫn đứng vững nhờ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Năm 2016, ông Huy mới bắt đầu xây dựng trang trại lợn.

Thời gian đầu, nơi đây chỉ cung cấp lợn giống cho người dân trong vùng nhưng sau đó do lượng lợn giống bị tồn đọng nhiều nên ông phải mua thêm 1 trang trại rộng 600 m2 nữa để nuôi lợn thịt. Đến nay, ông Huy đã xây dựng được 2 trang trại với quy mô 120 con lợn nái và hơn 1.000 lợn thịt. 

"Mới nuôi lợn được gần 5 năm nhưng tôi đã 2 lần chứng kiến thời kỳ giá lợn thấp chạm đáy cho đến khi giá cao kỷ lục. Đầu tháng 1.2020, giá lợn hơi cao nhất mà trang trại bán ra là 95.000 đồng/kg. Rất ít trang trại bán  được giá như vậy", ông Huy chia sẻ. Với mức giá kỷ lục này, mỗi con lợn ông Huy thu lãi khoảng 5 triệu đồng. Còn tính bình quân giá lợn khoảng 80.000 đồng/kg, mỗi tháng trang trại của ông thu lãi 600 triệu đồng. 

Không có quy mô lớn nhưng gia trại của ông Trần Văn Nam ở thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng (thị xã Kinh Môn) lại là nơi duy nhất trong xã còn giữ được đàn lợn. Sau khi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, gia trại đã may mắn vượt qua "cơn bão" dịch bệnh và giữ được 130 con lợn thịt và 13 con lợn nái.

Trong thời gian DTLCP bùng phát mạnh, giá lợn xuống thấp, mặc dù đã đạt trọng lượng xuất bán nhưng thương lái không mua. Từ tháng 10.2019, giá lợn liên tục tăng đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình ông Nam. Giá lợn cao nhất mà ông bán được là 86.000 đồng/kg. Với mức giá này, ông lãi khoảng 4,5 triệu đồng/con lợn 1,2 tạ. Chỉ trong vòng nửa năm qua, ông đã thu lãi hơn 500 triệu đồng. Nếu trong điều kiện giá lợn ổn định ở mức trên 50.000 đồng/kg như trước đây, phải chăn nuôi 3 năm ông mới lãi được số tiền này.

Theo ông Nam, mặc dù giá lợn tăng cao nhưng các chi phí chăn nuôi cũng tăng đáng kể. Hiện nay, nếu tự cung cấp được con giống, giá thành chăn nuôi sẽ rơi vào khoảng 45.000 đồng/kg. Nếu chăn nuôi nhỏ lẻ và phải đi mua lợn giống với giá 2,2 - 2,4 triệu đồng/con, giá thành chăn nuôi có thể lên tới 53.000 đồng/kg. Với mức giá khoảng 75.000 đồng/kg theo khuyến cáo của Nhà nước thì người chăn nuôi vẫn lãi lớn.

Chăn nuôi an toàn sinh học

Điểm chung của tất cả các trang trại đã vượt qua "bão" DTLCP là xây dựng được hàng rào sinh học vững chắc. Ông Huy cho biết: "Những hộ có đàn lợn bị nhiễm dịch phần lớn nuôi nhỏ lẻ, không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, môi trường chăn nuôi không bảo đảm. Môi trường trong trang trại lúc nào cũng phải sạch sẽ, thoáng mát để hạn chế mầm bệnh phát sinh".

Để giữ được đàn lợn an toàn trước các loại dịch bệnh, ông Huy thực hiện cấm trại 100%, tuyệt đối không cho người lạ ra vào trang trại. Trường hợp đặc biệt, khách phải qua phòng diệt trùng, mặc đầy đủ các đồ bảo hộ vô trùng mới được vào khu vực chăn nuôi. Các phương tiện vận chuyển vật nuôi và thức ăn chăn nuôi đều phải phun xịt, tẩy trùng kỹ lưỡng trước khi bốc xếp hàng hóa.

Cổng nhập và xuất lợn có hố sát trùng bằng vôi bột và được bổ sung thường xuyên. Việc sát trùng chuồng nuôi lợn được thực hiện ngày 1 lần bằng thuốc sát trùng loại mạnh và vôi bột. Trại lợn luôn được vệ sinh khô ráo và thông thoáng, phun diệt ruồi, muỗi định kỳ. Đồng thời, phân chia công nhân phụ trách từng dãy chuồng, giám sát chặt chẽ đàn lợn để kịp thời xử lý khi dịch bệnh phát sinh. 

Với hơn chục năm gắn bó với nghề nuôi lợn, trải qua nhiều đợt dịch lớn, ông Nam nhận ra rằng nếu giám sát, phòng tránh tốt thì thậm chí ngay bên cạnh có lợn bị dịch bệnh, gia trại nhà ông cũng không bị ảnh hưởng.

Từ suy nghĩ đó, ông Nam lập hàng rào sinh học để phân định, ngăn cách giữa vành đai trong và ngoài khu vực chăn nuôi. Đầu vào gồm thức ăn, nước, thuốc thú y, con giống… và đầu ra là sản phẩm xuất bán luôn được kiểm soát chặt chẽ cùng các bước khử trùng nghiêm ngặt.

"Trước khi xảy ra DTLCP, trong xã có hơn 30 hộ chăn nuôi lợn nhưng nay chỉ còn duy nhất gia trại của gia đình tôi. Ngoài việc rắc vôi bột, phun khử trùng toàn bộ gia trại từ 1 - 2 lần/ngày, tôi luôn bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho đàn lợn.

Không để lợn ăn cám bị nấm mốc, thường xuyên bổ sung các loại vitamin để tăng cường sức đề kháng cho chúng. Tôi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ cho đàn vật nuôi theo đúng hướng dẫn của ngành thú y", ông Nam nói.

Sau DTLCP, bài học mà người nuôi lợn nhận ra là luôn áp dụng chặt chẽ quy tắc chăn nuôi an toàn sinh học. Chăn nuôi theo phương pháp này không chỉ giảm nguy cơ nhiễm dịch bệnh mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. 

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vượt "bão" dịch tả lợn châu Phi, trang trại thắng lớn