Di tích

Vướng mắc trong khoanh vùng bảo vệ quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương

PV 24/12/2023 17:00

Việc lập quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn, Hải Dương) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đang gặp vướng mắc.

bai-thai-xi-2.jpeg
Khu vực bãi thải xỉ Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương thuộc địa bàn xã Quang Thành và Lê Ninh có diện tích chồng lấn khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích An Phụ (ảnh tư liệu)

Chồng lấn quy hoạch

Theo Quyết định số 1977/QĐ-TTg ngày 3/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch là 11.340 ha. Khu vực được quy hoạch gồm 5 vùng di tích: An Phụ; Kính Chủ; chùa Nhẫm Dương; hang Chùa Mộ; Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít. Trong đó, An Phụ là khu di tích có nhiều vướng mắc nhất trong việc khoanh vùng bảo vệ.

Khu di tích An Phụ gồm: đền Cao An Phụ, chùa Tường Vân, tượng đài Trần Hưng Đạo và toàn bộ dãy núi Yên Phụ thuộc các xã, phường: Hiệp Sơn, An Sinh, Phạm Thái, An Phụ, Bạch Đằng, Lê Ninh, Quang Thành, Thượng Quận, Hiệp Hòa.

Khu di tích được khoanh vùng với diện tích 1.000 ha, lớn nhất trong số 5 di tích được quy hoạch. Trong đó, khu vực bảo vệ I là 36,6 ha; khu vực bảo vệ II là 861,3 ha. Đặc biệt, có thêm khu vực mở rộng 102,1 ha so với diện tích được khoanh vùng bảo vệ trước đó.

Tuy nhiên, việc khoanh vùng bảo vệ tại khu di tích An Phụ hiện vướng mắc bởi diện tích 15,4 ha chồng lấn của khu vực bãi thải xỉ Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương thuộc địa bàn xã Quang Thành và Lê Ninh. Dự án này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư, Bộ Công thương ký hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao năm 2011. Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030. Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương có yếu tố nhà đầu tư nước ngoài, việc cắt bãi thải xỉ ra khỏi khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích có thể cấp bù vị trí khác nhưng sẽ rất phức tạp.

Ngoài ra, khi lập quy hoạch chung thị xã Kinh Môn đến năm 2040, việc rà soát các quy hoạch liên quan có từ trước chưa kỹ càng. Cụ thể là Quyết định 1977/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chính vì vậy, dự án sân golf trong quy hoạch chung thị xã có diện tích chồng lấn 74,8 ha thuộc địa bàn xã Hiệp Hòa cũng nằm trong khu vực bảo vệ của khu di tích An Phụ.

Điều đáng nói, cả khu vực bãi thải xỉ Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương và dự án sân golf trong quy hoạch chung thị xã Kinh Môn đều nằm trong khu vực bảo vệ II của khu di tích An Phụ, vùng tiếp giáp khu vực bảo vệ I, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Ngoài An Phụ, 4 khu di tích còn lại đa số vướng mắc bởi các dự án khai thác khoáng sản của một số doanh nghiệp đã được cấp phép từ lâu. Trong đó, 4 dự án có giấy phép sắp hết hạn, 3 dự án giấy phép còn dài hạn (dự án trại nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái của Công ty CP Cao Lanh Hải Dương, diện tích sử dụng 224.611 m2 có hạn dài nhất, đến hết năm 2064).

Gỡ khó theo hướng nào?

Việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng. Kết nối các điểm di tích thành một tổng thể thống nhất, để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn. Kết nối quần thể với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh khác trong vùng, tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Sau 2 năm triển khai, thuê đơn vị tư vấn, nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa, đến nay, UBND thị xã Kinh Môn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về phương án quy hoạch quần thể di tích trên.

Theo đó, các mỏ khoáng sản vẫn tiếp tục khai thác theo kế hoạch đã được phê duyệt đến khi hết hạn, không gia hạn, thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định.

Đối với quy hoạch sân golf được đề nghị giữ nguyên, khi triển khai thực hiện sẽ xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tương tự, bãi thải xỉ của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương cũng được đề nghị giữ nguyên hiện trạng, hạn chế san gạt làm biến dạng cảnh quan môi trường khu vực bảo vệ II của di tích đền Cao An Phụ.

quy-hoach-di-tich-o-km.jpg
Quy hoạch sân golf và bãi thải xỉ Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương đều được đề nghị giữ nguyên hiện trạng trong quy hoạch bảo vệ di tích An Phụ

Tuy nhiên, điều lo ngại khi giữ nguyên hiện trạng bãi thải xỉ và quy hoạch sân golf trên, về lâu dài liệu có bảo đảm không làm biến dạng cảnh quan môi trường khu vực bảo vệ II của di tích đền Cao An Phụ? Chưa kể khu vực dự án sân golf hiện có trên 34 ha rừng phòng hộ, trên 40 ha rừng sản xuất.

Theo điều 32, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009), khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I. Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.

PV
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vướng mắc trong khoanh vùng bảo vệ quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương