Hiện có tới 30% số lượng du khách đến đền Cao An Phụ chọn lối đi bộ này.
Lối đi bộ xuyên rừng lên đền Cao An Phụ hấp dẫn du khách, kể cả phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi
Đền Cao An Phụ nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi An Phụ. Để tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, dâng hương thuận lợi, nhiều năm qua, Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn hợp đồng với một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xe đưa đón khách từ chân núi đến cổng Tam Quan. Ngoài đường xe ô tô, lối đi bộ xuyên rừng lên đền Cao An Phụ thu hút ngày càng đông du khách trải nghiệm.
Năm 2019, Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn phối hợp với Trạm Quản lý rừng thị xã mở lối đi bộ xuyên rừng An Phụ dài hơn 1 km, rộng 1,5 m, xuất phát từ chân núi đến tượng đài Trần Hưng Đạo. Lối đi được lát gạch đất nung, uốn lượn theo triền núi An Phụ, một số đoạn dốc cao có bậc rộng từ 0,5-2 m, lan can chắc chắn, tạo thuận lợi cho du khách di chuyển an toàn.
Khi hành hương về di tích quốc gia đặc biệt đền Cao An Phụ theo lối đi bộ, du khách được nghe tiếng gió thổi, chim hót ríu rít, hoà mình vào khung cảnh thiên nhiên xanh mát, yên bình. Người lên, người xuống chào hỏi nhau, chia sẻ, động viên nhau, đã kết nối tình cảm những người xa lạ.
Chị Trần Thị Kiều Loan (Quảng Ninh) cho biết: “Đây là tuyến đường tôi rất yêu thích khi đến dâng hương tại khu di tích đền Cao An Phụ. Năm nào gia đình tôi cũng trải nghiệm đi bộ trên con đường này, nhất là cậu con trai nhỏ rất hào hứng. Lối đi rộng rãi, chắc chắn, an toàn, không khí trong lành, mát mẻ”.
Ông Nguyễn Văn Yên, 67 tuổi (ở huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cũng có chung cảm nhận. “Năm nay là năm thứ ba tôi cùng gia đình đến đền Cao An Phụ và lần nào cũng chọn lối đi bộ, một phần vì thói quen thể dục hằng ngày, tôi rất thích”, ông Yên nói.
Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm tại nhiều địa điểm đẹp
Hiện có tới 30% số du khách đến đền Cao An Phụ chọn lối đi bộ này. Hằng năm, Ban Quản lý di tích thường xuyên tu bổ, nâng cấp, dọn vệ sinh môi trường, tuyên truyền, nhắc nhở du khách về quy định phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn trong suốt quãng đường đi.
Lối đi bộ này nằm trong khu rừng đặc dụng rộng hơn 100 ha thuộc phường An Sinh (Kinh Môn), nơi bảo tồn, lưu giữ nhiều nguồn gen thực vật quý phục vụ cho việc nghiên cứu và phát triển rừng, tô điểm cho diện mạo khu di tích nên rất cần được cộng đồng, bao gồm người dân địa phương và du khách chung tay bảo vệ, gìn giữ. Để lối đi bộ trở thành điểm nhấn của di tích quốc gia đặc biệt đền Cao An Phụ, cơ quan quản lý cần thường xuyên tu sửa tuyến đường, lắp thêm biển chỉ dẫn, thùng đựng rác, nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt là nội quy và biển cảnh báo nghiêm cấm dùng lửa, xử lý tàn thuốc lá, không để vương vãi tàn lửa dễ gây cháy rừng...
BẢO THANH