Giải phóng mặt bằng là yếu tố quyết định để triển khai thi công dự án, công trình đầu tư công, bảo đảm khối lượng giải ngân vốn. Tuy nhiên tại nhiều dự án ở Hải Dương hiện nay, mặt bằng đang là vướng mắc lớn nhất.
Điểm nghẽn
Dự án đường dẫn cầu Cậy mới và đường 33 m kéo dài (qua địa phận huyện Cẩm Giàng) nối với đường Vũ Công Đán (TP Hải Dương) có tổng mức đầu tư gần 470 tỷ đồng, được HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2023. Dự án góp phần hoàn thành trục giao thông liên vùng từ TP Hải Dương đến thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), kết nối với nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại đường tỉnh 392 và giải quyết tình trạng ùn tắc, gây mất an toàn giao thông khu vực cầu Cậy.
Dự án dự kiến khởi công trong tháng 9/2024 nhưng hiện nay đã giữa tháng 8 vẫn chưa có mặt bằng sạch. Đến cuối tháng 7, UBND huyện Cẩm Giàng mới chỉ hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường và chi trả tiền đối với các hộ có đất trồng lúa và di chuyển mộ. Còn lại các hộ có đất chuyển đổi và đất ở vẫn chưa giải phóng mặt bằng. Năm 2024, dự án này được bố trí gần 136 tỷ đồng song đến hết tháng 7 vẫn chưa giải ngân vốn.
Tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 390 đoạn từ cầu Hợp Thanh đến cầu Quang Thanh (Thanh Hà) cũng không đáp ứng được yêu cầu thi công. Theo nhà thầu thi công, đến đầu tháng 8 huyện đã bàn giao mặt bằng của 4 trong tổng số hơn 5 km đường thi công. Đơn vị cũng đã cơ bản hoàn thành khối lượng tại diện tích đã được bàn giao, còn lại hơn 1 km vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân do vướng mắc trong xác định nguồn gốc sử dụng đất, các hộ dân chưa thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 390 có tổng mức đầu tư hơn 421 tỷ đồng được khởi công từ cuối tháng 12/2023. Theo hợp đồng ký kết, dự án phải hoàn thành vào cuối tháng 1/2025. “Chúng tôi mong muốn sớm được bàn giao mặt bằng để tập trung thi công, bảo đảm kế hoạch đề ra, tạo thuận lợi cho việc giải ngân đúng tiến độ”, đại diện nhà thầu cho biết.
Theo kế hoạch, đường dẫn cầu Đồng Việt (Chí Linh) hoàn thành trong tháng 8 này nhưng chỉ vì vướng mặt bằng của 1 hộ dân mà dự kiến sẽ chậm ít nhất 1,5 tháng. Diện tích mặt bằng bị vướng mắc thuộc phạm vi mở rộng nút giao đường dẫn và đường vào đền Kiếp Bạc. Anh Nguyễn Văn Kiên, Chỉ huy trưởng công trường cho hiết nhà thầu rất sốt ruột triển khai thi công. Phần đường dẫn đã hoàn thành, đơn vị đã rút bớt nhân lực, phương tiện nhưng vẫn phải duy trì lực lượng tại đây để đợi mặt bằng.
Quyết tâm tháo gỡ
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, hiện có hơn 20 dự án chủ yếu ở lĩnh vực giao thông do ban làm chủ đầu tư gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Vướng mắc xuất phát từ việc xác định nguồn gốc đất, không đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ. Thời điểm bàn giao mặt bằng sẽ quyết định tiến độ thi công dự án và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. UBND cấp huyện phải xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định tiến độ, lộ trình thu hồi đất, không để xảy ra tình trạng dự án chờ mặt bằng.
Trước những yêu cầu cấp bách về giải ngân vốn đầu tư công và thực trạng giải phóng mặt bằng ở một số địa phương, tại nhiều cuộc họp và kiểm tra thực tế dự án, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương quyết tâm không để điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng cản trở mục tiêu phát triển chung của Hải Dương. Để công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc vận động, tuyên truyền, thuyết phục để người dân hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích của dự án, công trình. Các bước, trình tự thực hiện giải phóng mặt bằng phải công khai, minh bạch, xem xét quyền lợi của cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật. Khi đã triển khai đầy đủ quy trình theo hướng thấu lý, đạt tình mà người dân không đồng tình, chấp thuận thì cần tính đến phương án cưỡng chế kiểm đếm, thu hồi đất, quyết không để vướng mắc trong giải phóng mặt bằng ảnh hưởng tới nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là 8.426,9 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 7, toàn tỉnh mới giải ngân được 1.359 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16,7%. Để có thể đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% theo mục tiêu phấn đấu, bên cạnh việc gấp rút hoàn thiện thủ tục đầu tư thì khâu giải phóng mặt bằng phải được quan tâm hơn, sớm tháo gỡ những vướng mắc theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.