Côn Sơn - Kiếp Bạc là quần thể di tích, danh thắng quốc gia quan trọng cả về giá trị lịch sử, văn hóa gắn với tên tuổi của các bậc danh nhân của đất nước...
Đường vào chùa Côn Sơn
Côn Sơn - Kiếp Bạc không chỉ có những công trình kiến trúc văn hóa, tôn giáo độc đáo, có giá trị từ thời Trần mà còn là vùng danh thắng với thiên nhiên kỳ thú. Nơi đây hội tụ những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa lớn: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông, Huyền Quang, Pháp Loa, Trần Nguyên Đán...
Côn Sơn - Kiếp Bạc là vùng đất nổi tiếng bởi thiên nhiên kỳ thú, những công trình kiến trúc độc đáo, những lễ hội đậm màu sắc dân gian, những địa danh lịch sử gắn với những chiến công oanh liệt của các triều đại phong kiến trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Nói đến Côn Sơn-Kiếp Bạc là nói đến sự giàu có các di sản văn hóa vật thể. Di sản văn hóa vật thể của Côn Sơn-Kiếp Bạc thể hiện khá rõ ở các công trình kiến trúc nghệ thuật. Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nằm ở thung lũng Kiếp Bạc thuộc xã Hưng Đạo (Chí Linh), tựa lưng vào núi Trán Rồng, mặt hướng ra sông Thương. Nơi đây vốn là phòng tuyến quân sự được Hưng Đạo Vương xây dựng ở thế kỷ XIII để bảo vệ cho Kinh thành Thăng Long và từng diễn ra các trận đánh ác liệt trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Theo sử sách, năm 1300, Hưng Đạo Đại Vương qua đời, nhân dân lập đền trên dinh thự cũ của ngài để thờ cúng. Năm 1427, Lê Lợi cho sửa chữa đền để tỏ lòng biết ơn tiền nhân. Qua nhiều thế kỷ, đền được đại trùng tu vào các năm 1876, 1879 và 1895 thời Nguyễn. Đền có bố cục đối xứng, tuân thủ âm dương, ngũ hành, mang phong cách cung đình với thần đạo, nghi môn, giếng Mắt Rồng, nhà Bạc, giải vũ và đền chính. Nghi môn đền sừng sững uy nghi với kiến trúc đồ sộ hoành tráng, thiết kế theo kiểu cổng thành dạng bức cuốn thư với ba cửa vòm và hai trụ lớn. Đây là bức tranh thiêng hội đủ tứ linh, tứ quý, hàm chứa cả âm dương, vạn vật. Qua nghi môn là giếng Mắt Rồng có nguồn gốc trên 700 năm, một di vật quan trọng trong quần thể di tích gắn với danh tướng Yết Kiêu. Tương truyền, khi về Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương lập đại bản doanh trong thung lũng. Một hôm, ông và gia tướng Yết Kiêu đến khu vực này xem xét. Yết Kiêu phát hiện ở gần bờ sông lấp lánh một vết sáng, đến nơi phát hiện ra một vũng nước tròn sâu, trong vắt. Múc nước uống, thấy ngọt mát, ông mời Hưng Đạo Vương tới uống thử. Hưng Đạo Vương biết đây là nguồn nước chảy ra từ mạch ngầm của dãy núi Rồng, đã quyết định chuyển đại bản doanh ra thung lũng và giao cho Yết Kiêu khơi sâu thành giếng phục vụ cho binh sĩ.
Nằm sâu bên trong, đền chính uy nghi với các hạng mục: tiền tế, trung từ, hậu cung. Mỗi hạng mục kiến trúc: thềm đá, cột gỗ, mái ngói, dẻo đao đến các họa tiết hoa văn đều toát lên sự tinh xảo. Tòa tiền tế có ban thờ công đồng Trần triều. Tòa trung từ thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Đẩu và bài vị 4 vị Vương tử của Trần Hưng Đạo. Hậu cung có 4 pho tượng đồng đúc vào cuối thế kỷ XIX là tượng Đức Thánh Trần, Vương mẫu và hai con gái. Những cổ vật quý hiếm trong đền như hoành phi, câu đối, bài vị, ngai, văn bia, đặc biệt là bộ ấn của Đức Thánh Trần khẳng định giá trị độc đáo của di tích. Nằm trong quần thể đền Kiếp Bạc còn có đền Nam Tào, Bắc Đẩu uy nghi ngự trên hai ngọn núi cao. Tại đền Nam Tào hiện còn một cột cổng tam quan rất cổ kính. Di sản vật thể của Kiếp Bạc còn là sự kỳ vĩ của dãy núi Trán Rồng, núi Nam Tào, Bắc Đẩu và dòng Lục Đầu Giang, nơi hội tụ của 6 con sông, cuộn chảy.
Cột cổng tam quan rất cổ ở đền Nam Tào (Kiếp Bạc)
Di sản văn hóa vật thể của Côn Sơn cũng rất phong phú. Ngôi chùa cổ Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự nằm dưới chân núi Côn Sơn được khởi dựng vào cuối thế kỷ XIII, được Nhị tổ Pháp Loa mở rộng năm 1329. Tương truyền nơi đây người dân hun gỗ làm than và đã từng diễn ra trận hỏa công hun giặc dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh thế kỷ X nên chùa còn có tên là chùa Hun. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công gồm tiền đường, thiêu lương, thượng điện (thờ Phật) và nhà tổ. Đường vào tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm tuổi. Tam quan có 2 tầng 8 mái với các họa tiết hoa lá, tản mây cách điệu theo nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Ba vị tổ của thiền phái Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang từng tu hành và thuyết pháp ở đây, do vậy chốn này là một trong 3 trung tâm nổi tiếng của dòng Phật giáo Việt Nam thời Trần. Tại đây, tổ Huyền Quang từng cho lập đài Cửu phẩm liên hoa, biên tập kinh sách, hoằng dương thuyết pháp. Thời Lê, chùa có quy mô 83 gian, có tượng nghìn mắt, nghìn tay, tòa cửu phẩm liên hoa và 385 pho tượng. Chùa Côn Sơn hiện còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị từ xưa, điển hình là 16 tấm văn bia quý cho ta biết thông tin về quy mô ngôi chùa ngày trước, những giai đoạn trùng tu. Trong chùa hiện đang lưu giữ 3 pho tượng tam thế có phong cách giữa thế kỷ XVII, hiếm gặp ở chùa khác cùng một bức tượng Phật A- Di- Đà cao trên 3 m. Sau chùa còn có Đăng Minh bảo tháp, nơi cất giữ xá lị của Đệ tam tổ Huyền Quang.
Côn Sơn còn có giếng Ngọc dưới chân tháp tổ Huyền Quang, huyệt mạch của núi Côn Sơn, mắt của con Kỳ Lân. Trên đỉnh núi là Bàn cờ tiên, tương truyền là nơi các vị tiên trên trời thường hạ giới đánh cờ. Ngũ Nhạc Linh Từ là 5 đỉnh núi cao có những linh miếu thờ thần linh cai quản vạn vật, đất trời. Hồ Côn Sơn là minh đường, nơi sơn thủy hữu tình, tụ linh, tụ phúc. Mỗi nơi là một điểm nhấn cho cõi thiêng, chốn danh lam cổ tích giữa cõi trần.
Nói về Côn Sơn không thể bỏ qua Thanh Hư động, cầu Thấu Ngọc, không gian thiên nhiên với các công trình kiến trúc độc đáo được quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán (1325-1390) kiến tạo. Tương truyền, khi Trần Nguyên Đán đưa cháu ngoại là Nguyễn Trãi về sống ở Côn Sơn, vợ chồng ông đã trồng thông, trồng rễ trên đất này. Minh chứng cho huyền sử đó là ngút ngàn thông mã vĩ vươn mình trong nắng thu và bãi rễ bạt ngàn dưới chân núi xa xa và cũng chỉ có Côn Sơn mới có.
Tại di tích Côn Sơn, các cuộc khảo cổ năm 1979, năm 1986 - 2000, năm 2005 cũng đã phát hiện hàng nghìn hiện vật. Trong đó, ở di tích vườn tháp phát hiện 2.000 hiện vật gồm: ngói mũi hài đơn, mũi hài kép, phù điêu hình rồng bằng đá, con giống đất nung, dấu vết các vỉa đá kè được nhận định là tòa Cửu phẩm liên hoa thời Trần. Di tích Thanh Hư động phát hiện kè đá dài 27 m, bát men ngọc có dấu con kê, vỉa gạch, ngói mũi nhọn, nền nhà làm theo kiểu giật cấp, gạch ngói, đinh thuyền…được cho là đền thờ của quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán khi ông qua đời. Tả hữu hành lang cổ và phía sau tổ đường chùa Côn Sơn phát hiện 3.000 hiện vật gồm: gạch, ngói, trang trí kiến trúc, đồ gốm sứ và hai lớp nền móng kiến trúc cũ của tả, hữu hành lang chùa Côn Sơn.
Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Côn Sơn - Kiếp Bạc không chỉ có những công trình kiến trúc văn hóa, tôn giáo độc đáo, có giá trị từ thời Trần mà còn là vùng danh thắng với thiên nhiên kỳ thú. Nơi đây hội tụ những vĩ nhân, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông, Huyền Quang, Pháp Loa, Trần Nguyên Đán. Với giá trị lịch sử, văn hóa vô giá, ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Côn Sơn - Kiếp Bạc là di tích quốc gia đặc biệt.
Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2012 là sự kiện lớn của Hải Dương đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt và kỷ niệm 570 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Nổi bật là lễ rước, lễ tưởng niệm 570 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, lễ khai ấn tại nội tự đền Kiếp Bạc, lễ cầu an và hội thả hoa đăng trên sông Lục Đầu… Riêng lễ đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt vào tối 16 - 8 âm lịch sẽ được tổ chức trên bến Vạn Kiếp trước cửa đền Kiếp Bạc với một chương trình nghệ thuật đặc sắc, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 và VTV4. Về phần hội có liên hoan diễn xướng dân gian ca ngợi Đức Thánh Trần, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, múa rối nước, bắt vịt, nấu cơm thi. Tại sân đền Nguyễn Trãi sẽ tổ chức đêm thơ Côn Sơn. Lễ hội quân trên sông Lục Đầu được tổ chức hoành tráng...
HẰNG TRẦN