Theo sự phản hồi trở lại phía Trung tâm Tư vấn hôn nhân và gia đình, thì có khoảng 50-60% số phụ nữ lấy chồng nước ngoài có cuộc sống ổn định, hạnh phúc.
Trung tâm Tư vấn hôn nhân và gia đình (Hội Phụ nữ tỉnh) thường xuyên tư vấn cho các chị lấy chồng người nước ngoài
Năm 2010, chị N.T.K. ở Văn An (Chí Linh) ly dị chồng. Không chịu cảnh cô đơn khi vẫn đang ở tuổi xuân thì, chị K. đã đăng ký tìm bạn đời là người nước ngoài trên mạng in-tơ-nét. Ngay sau đó, một người đàn ông Hàn Quốc đã liên hệ làm quen với chị. Qua trao đổi, tìm hiểu trên mạng, họ quyết định gặp nhau. Không lâu sau đó, đám cưới đã diễn ra trong sự chứng kiến của bà con nhà gái, còn họ nhà trai do cách trở đường xa nên vắng mặt. Rồi chị K. khăn gói theo chồng về xứ sở Kim Chi. Người thân, họ hàng nửa mừng, nửa lo. Thời gian qua đi, lo lắng đã tan biến khi cuộc sống của vợ chồng chị K. ngày càng hạnh phúc. Chị K. nỗ lực học tiếng Hàn và đã có thể giúp chồng một số công việc kinh doanh của gia đình. Toàn bộ tiền lương có được, chồng chị đã tạo điều kiện để chị gửi về giúp đỡ gia đình. Niềm vui được nhân đôi khi dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, cả gia đình nhà chồng chị K. gồm bố mẹ chồng, em trai chồng và hai vợ chồng chị cùng về Chí Linh ăn Tết. Mọi người cũng đồng ý để chị K. ở lại quê hương sinh con trong căn nhà khang trang mà bố mẹ chị vừa xây bằng số tiền chị gửi về trước đó.
Cũng lấy chồng nước ngoài nhưng trái hẳn với niềm vui và hạnh phúc của chị K., chị Đ.T.L. ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) lại sống trong day dứt, một bên là nỗi nhớ thương gia đình, người thân, một bên là trách nhiệm với con cái. Cách đây khoảng 10 năm, nghe người quen rủ rê, chị L. trốn gia đình sang Trung Quốc lấy một người đàn ông hơn mình 20 tuổi. Gia đình nhà chồng cũng chẳng khá giả gì. Hằng ngày, chị phải dậy sớm lo cơm nước rồi cùng cả nhà ra đồng trồng màu. Bất đồng về ngôn ngữ khiến cuộc sống của chị tẻ nhạt và u uất. Gần đây, chị L. mới được chồng đồng ý cho về thăm quê nhưng không được dẫn hai con cùng về. Chốn quê nhà giờ đã đổi khác, bố mẹ già thương nhớ con sức khỏe đã suy kiệt. Chị L. đành nhận tiếng bất hiếu tiếp tục "dứt áo ra đi" vì thương hai con thơ dại.
Trong năm 2012, Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân, gia đình (Hội Phụ nữ tỉnh) đã tiếp nhận và tư vấn cho 667 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài (hơn 90% số phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc và Trung Quốc). Trước khi đến trung tâm, họ đã hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp. Họ được trung tâm tư vấn các kỹ năng chung sống với người nước ngoài; giới thiệu về phong tục tập quán, mối quan hệ cộng đồng dân cư, đất nước nơi họ đến làm dâu; hoàn thiện hồ sơ thủ tục để tham dự lớp học ngôn ngữ, văn hóa, cách nấu ăn truyền thống của người bản địa. Bà Phạm Thị Liên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn hôn nhân và gia đình cho biết: “Nhiều ý kiến cho rằng, cần hạn chế số phụ nữ lấy chồng nước ngoài, nhưng theo sự phản hồi trở lại phía trung tâm, thì có khoảng 50-60% số phụ nữ lấy chồng nước ngoài có cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Nhiều người trong số họ trước đây đã từng thất bại trong hôn nhân (chiếm 20% số phụ nữ đến tư vấn tại trung tâm), quá lứa lỡ thì... cũng tìm được cuộc sống ổn định nơi xứ người, thậm chí một số người còn có điều kiện kinh tế giúp đỡ gia đình ở Việt Nam. Vì vậy, thay vì việc tìm cách hạn chế phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, chúng ta nên tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho họ. Trước hết, cần giúp họ thấy rõ thực trạng cuộc sống vợ chồng bất đồng ngôn ngữ, những phong tục, tập quán xa lạ, những khó khăn phải đối mặt khi sống xa gia đình, người thân... Đặc biệt, cần loại bỏ tư tưởng "kết hôn giả" của một bộ phận phụ nữ mong tìm cơ hội nhập cư kiếm tiền”.
Thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc có một số cô dâu Việt (chủ yếu lấy chồng Hàn Quốc) tự tử hoặc có dấu hiệu bị chồng bạo hành. Những người phải ly dị chồng, sống không hạnh phúc ngoài nguyên nhân bất đồng ngôn ngữ còn có rất nhiều lý do khác. Nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn, tính cách không hợp nhau, thậm chí có cô dâu Việt lại chỉ tìm cách tích cóp tiền cho bản thân, không vun vén cho gia đình nhà chồng nên dẫn đến quan hệ rạn nứt. Bên cạnh đó, có người lấy chồng nước ngoài chỉ là cái cớ để nhập cư hợp pháp, sau đó sẽ ly dị để tìm việc làm.
Cơ quan chức năng cần tăng cường giúp đỡ để cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung, phụ nữ lấy chồng nước ngoài nói riêng thường xuyên có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, kịp thời giúp đỡ khi xảy ra mâu thuẫn trong cuộc sống.
THANH NGATheo số liệu của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh, ở một số địa bàn trọng điểm như các huyện Thanh Hà, Nam Sách, Kim Thành, Thanh Miện, Cẩm Giàng, Bình Giang và TP Hải Dương có 160 phụ nữ từng lấy chồng nước ngoài mang theo 72 con lai về địa phương sinh sống. Hầu hết số phụ nữ trên kết hôn với người Trung Quốc, vì nhiều lý do đã ly dị và trở về quê hương mang theo những đứa con "không cha" với vết thương lòng không gì hàn gắn được. |